* Sẽ thiết kế logo hàng bình ổn giá
(SGGP).- Chiều 25-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành chức năng về kết quả 7 tháng thực hiện chương trình bình ổn thị trường và kế hoạch triển khai cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn 2012.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khẳng định, tiến độ chuẩn bị nguồn hàng đang diễn ra theo đúng tiến độ. Nguồn hàng cung ứng cho TP trong dịp tết năm nay sẽ rất dồi dào, đa dạng và phong phú. Hoạt động chăn nuôi của các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm được tổ chức chuyên nghiệp, tập trung.
Theo tính toán của bà Đào, lượng hàng hóa mà các DN dự trữ phục vụ trong tháng tết chiếm khoảng 30%-40% nhu cầu thị trường. Đáng lưu ý, có khá nhiều DN đã chuẩn bị nguồn hàng có số lượng tăng gấp nhiều lần so với kế hoạch TP giao thực hiện.
Nếu căn cứ theo nhu cầu tiêu dùng bình quân hàng tháng, mặt hàng thịt gia cầm bình ổn được các DN chuẩn bị hiện chiếm khoảng 85%; thịt gia súc 32%, trứng gia cầm 65%, thực phẩm chế biến và đường chiếm 48%; dầu ăn 43%… Theo Sở Tài chính, giá hàng bình ổn vẫn đảm bảo đúng so với yêu cầu của chương trình, thấp hơn 10% so với giá thị trường.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, từ nay đến tết có 3 vấn đề đặt ra cho các sở ngành.
Một, tập trung phát triển mạnh mạng lưới phân phối hàng hóa, chỉ riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm TP hiện phát triển được 2.565 điểm, tăng gấp 10 lần so với năm 2008. Trong tháng 11 tới, Sở Công thương phải hoàn chỉnh báo cáo về việc phát triển điểm bán, thông qua việc gắn kết các tổ nhóm với hệ thống thương mại; gắn kết đoàn thể với chương trình để đưa hàng tiếp cận với người dân TP, đến tận các bếp ăn tập thể, nhà hàng...
Hai, đảm bảo đủ nguồn hàng bình ổn cung ứng cho người dân, với giá cả hợp lý. Sở Tài chính phải theo dõi sát để có sự điều chỉnh giá cả kịp thời và phù hợp.
Ba, nắm lại hoạt động 3 chợ đầu mối, chú trọng xây dựng thương hiệu các chợ cũng như của từng tiểu thương, từng bước hình thành hệ thống truy suất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nguồn hàng từ các chợ đầu mối cung ứng khoảng 50%-70% cho TP, nếu nắm được ngay từ đầu nguồn sẽ kiểm tra, giám sát được giá cả và chất lượng sản phẩm.
Để tránh tình trạng nhiều mặt hàng đang “ăn theo” hàng bình ổn giá, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng giao Sở Công thương tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu logo cho chương trình, từng bước TPHCM sẽ triển khai việc in logo trên từng sản phẩm bình ổn giá để người dân dễ dàng lựa chọn.
Sáng 25-10, tại trụ sở UBND TPHCM, 4 đơn vị lớn trong ngành chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn gia súc là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Công ty cổ phần Việt Pháp (Proconco) và Công ty Vissan đã ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Theo đó, các đơn vị trên sẽ thực hiện mục tiêu chung, khai thác và phát huy thế mạnh của các bên về nguồn vốn, thị trường, công nghệ… để xây dựng và phát triển chuỗi liên kết thức ăn chăn nuôi - hệ thống trang trại - giết mổ - chế biến - cung ứng sản phẩm thịt heo chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế với năng suất cao.
THÚY HẢI