TP Hồ Chí Minh không tăng giá bán trong dịp tết

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã chủ trì buổi làm việc giữa các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, doanh nghiệp (DN) bình ổn nhằm triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Ất Mùi 2015. Đây là thời điểm quan trọng, quyết định việc hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, đồng thời triển khai việc chuẩn bị dự trữ nguồn hàng, ổn định cung cầu và giá cả trong dịp cao điểm mua sắm cuối năm.
TP Hồ Chí Minh không tăng giá bán trong dịp tết

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã chủ trì buổi làm việc giữa các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, doanh nghiệp (DN) bình ổn nhằm triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Ất Mùi 2015. Đây là thời điểm quan trọng, quyết định việc hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, đồng thời triển khai việc chuẩn bị dự trữ nguồn hàng, ổn định cung cầu và giá cả trong dịp cao điểm mua sắm cuối năm.

Không lo thiếu hàng tết

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương bà Lê Ngọc Đào thông báo đến các DN về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tết đã được UBND TP thông qua. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa các DN tại TPHCM chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849,4 tỷ đồng, tăng 8.267,7 tỷ đồng (109,0%) so với Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỷ đồng, tăng 3.403 tỷ đồng (69,4%) so với Tết Giáp Ngọ 2014.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015 (từ ngày 20-1-2015 đến ngày 18-2-2015, tức từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch) tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 9.262,8 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861,8 tỷ đồng.

Về phía các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đều cho rằng, năm nay sức mua tăng chậm, để đảm bảo kế hoạch doanh thu năm, các siêu thị buộc phải giảm lãi để kích cầu tiêu dùng. Mặc dù các TTTM, siêu thị đã kéo dài việc thực hiện tháng khuyến mãi đến thời điểm hiện nay, nhưng sức mua vẫn không đạt như mong muốn.

Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh về giá hàng tết, nhiều siêu thị cũng đang từng bước triển khai kế hoạch dự trữ đối với các nhóm hàng thiết yếu theo hướng tăng từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dây chuyền bao gói mặt hàng giò lụa loại 1kg, cung ứng riêng cho thị trường tết của Công ty Vissan. Ảnh: Tường Dân

Các DN sản xuất, nhà cung cấp cũng cho rằng, từ đầu năm đến nay diễn biến thời tiết rất thuận lợi cho việc gieo trồng rau củ quả và phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà - một trong những đơn vị chuyên cung ứng mặt hàng thịt gia cầm cho biết, hiện công tác kết nối với các vệ tinh từ các tỉnh như Đồng Nai, Tiền Giang, Long An… để tăng tổng đàn cũng đang được triển khai quyết liệt. Theo đó, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, năm nay các DN cũng không gặp khó khăn về vốn đầu tư, chuẩn bị hàng tết.

Hiện các DN đang tập trung củng cố các điểm bán, đồng thời bổ sung, đa dạng hóa mặt hàng. Theo kế hoạch, từ nay đến tết, các DN bình ổn sẽ phát triển 286 điểm bán mới, đồng thời tổng hợp nhu cầu từ các quận, huyện về việc bán hàng lưu động tại các KCN - KCX, vùng sâu, vùng xa.

Cần rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo bà Lê Ngọc Đào, ngoài việc bình ổn đối với 9 nhóm hàng chủ lực (gồm gạo - nếp; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; dầu ăn; đường; thực phẩm chế biến; thủy hải sản; rau củ quả), năm nay TP sẽ tăng cường giám sát về giá cả, cung cầu các mặt hàng đặc sản tết. Riêng về giá bán, chủ trương của TP là sẽ không tăng giá bán các mặt hàng bình ổn trong 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015, do vậy Sở Công thương yêu cầu các DN tiến hành đăng ký giá bán gửi về sở, đồng thời có kế hoạch thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán vào những ngày cận tết để kích cầu tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường tết.

Các siêu thị cần liên kết tốt hơn với các DN trong chương trình bình ổn giá để đảm bảo hàng trong chương trình được tiêu thụ rộng khắp. Hiện nay, khả năng cung ứng hàng hóa của các DN rất dồi dào, phong phú nhưng do công tác kết nối chưa tốt, dẫn đến lưu thông chưa được thông suốt.

Tại các siêu thị đang kinh doanh hàng chục ngàn mặt hàng nhưng hàng bình ổn chỉ có 9 nhóm mặt hàng nên cần có sự ưu tiên trong việc đưa hàng vào bán cũng như thực hiện việc chiết khấu thấp hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho DN.

Thanh tra Sở Công thương cho biết, thực tế từ kiểm tra đột xuất tại các hệ thống vẫn còn khá nhiều tồn tại như niêm yết giá còn chưa đầy đủ, thực phẩm tự chế biến tại siêu thị không dán nhãn, không ghi rõ hạn sử dụng. Việc thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm chưa được tốt do mặt bằng chật nên khi bố trí, một vài siêu thị còn để chung giữa thực phẩm và hóa mỹ phẩm. Công tác trưng bày hàng hóa cũng như quảng cáo rượu và thuốc lá chưa được khắc phục. Trong trường hợp quảng cáo thuốc lá chỉ được để 1 gói hoặc 1 cây, còn trên 2 gói hoặc 1 gói, 1 cây là vi phạm quy định…

Ông Phạm Quí Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho hay, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành tiến hành lập kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường tết thật chi tiết, cụ thể. Năm nay TP cũng sẽ tăng cường kiểm tra tất cả các gói quà tết bày bán trên thị trường để tránh tình trạng trà trộn sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Mặt khác, các đơn vị cũng phối hợp để kiểm tra các nguồn rau cung ứng từ các tỉnh, thành đưa vào TPHCM, do vậy các đơn vị kinh doanh cần phải lưu giữ chứng từ, hóa đơn đầy đủ để chứng minh tốt nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa…

Ông Phạm Quí Cường kêu gọi sự quan tâm của tất cả các DN, nhà cung cấp cần giám sát chặt hàng hóa lưu thông trên thị trường để giảm thiểu tối đa các hành vi vi phạm. Trong trường hợp bị phát hiện vi phạm, sẽ tịch thu hàng hóa và xử phạt thật nghiêm

Tính đến nay, tại hầu hết các DN đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng tết với lượng hàng cung ứng tăng từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op chuẩn bị 4.861,8 tỷ đồng (trong đó, hàng bình ổn thị trường 1.923,9 tỷ đồng); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn chuẩn bị 981,77 tỷ đồng (hàng bình ổn 742,17 tỷ đồng); Công ty TNHH Phạm Tôn 411 tỷ đồng (hàng bình ổn 406 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV TM Thời trang Dệt may Việt Nam chuẩn bị 364 tỷ đồng (hàng bình ổn 164 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư An Phong Maximark chuẩn bị 403,86 tỷ đồng.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục