TP Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long - Mặn tình ấm nghĩa

Keo sơn gắn bó
TP Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long - Mặn tình ấm nghĩa

TPHCM có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tác động các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, ĐBSCL là vùng “địa chiến lược” của TPHCM để bứt phá vươn lên. Tính đến nay, TPHCM đã ký kết hợp tác kinh tế - xã hội với 13 tỉnh, thành vùng này, thể hiện tình nghĩa ấm áp của 2 vùng đất quan trọng phía Nam Tổ quốc.

Doanh nghiệp TPHCM đầu tư siêu thị phục vụ cư dân khu đô thị lấn biển Kiên Giang. Ảnh: THÁI BẰNG

Doanh nghiệp TPHCM đầu tư siêu thị phục vụ cư dân khu đô thị lấn biển Kiên Giang. Ảnh: THÁI BẰNG

Keo sơn gắn bó

Không phải đến bây giờ mà trong suốt quá trình lịch sử phát triển, giữa TPHCM với ĐBSCL đã có mối quan hệ gắn bó, tương hỗ lẫn nhau. Về kinh tế, ĐBSCL là nơi cung cấp sản vật, hàng hóa cho TPHCM và ngược lại TPHCM là thị trường lớn của ĐBSCL. Về văn hóa, yếu tố chi phối qua lại giữa 2 vùng đất cũng đã có từ thời khai hoang mở cõi đất phương Nam: Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em - ca dao. Thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, để thông thương hàng hóa, chính quyền phải cho đào nhiều kênh rạch để nối Sài Gòn với miền Tây. Trong kháng chiến, ĐBSCL là hậu phương vững chắc mang đậm nghĩa tình của người dân vùng châu thổ đối với mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Hiện nay, mối quan hệ này đã được nâng lên tầm chiến lược, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi trên tinh thần tự nguyện, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập.

Chính vì vậy, từ năm 2000 đến nay, TPHCM đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác phát triển các ngành kinh tế là một trong những lĩnh vực có vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp và dịch vụ có tỷ trọng GDP tăng dần và chiếm tỷ lệ lớn của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Cụ thể tại Tiền Giang, sau 7 năm hợp tác với TPHCM, Tiền Giang có thêm 42 dự án đầu tư từ TPHCM đã triển khai với nguồn vốn trên 7.700 tỷ đồng và tạo thêm việc làm cho 8.000 lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhiều dự án đang và sẽ triển khai từ chương trình hợp tác như: Cụm công nghiệp Tân Hiệp (huyện Châu Thành); các khu, cụm công nghiệp ven biển Gò Công... Dự kiến khi các dự án này hoạt động sẽ thu hút thêm 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư và giải quyết việc làm cho 200 ngàn lao động.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, về cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… nhiều chương trình, giải pháp đã được TPHCM hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL nhằm cải thiện môi trường sống, nâng cao nguồn nhân lực và đưa tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hợp tác trên lĩnh vực y tế đã giúp ngành y tế nhiều địa phương nâng cao trình độ và khả năng khám chữa bệnh cho nhân dân thông qua chương trình hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao các chuyên khoa sâu. TPHCM cũng đã chủ động phối hợp với các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang ngăn chặn và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Sài Gòn - Vàm Cỏ…

Việc hợp tác TPHCM - ĐBSCL còn thể hiện mối quan hệ tình nghĩa. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân từng phát biểu trong lễ ký kết hợp tác với Vĩnh Long năm 2009: “Trong kháng chiến, ĐBSCL là hậu phương vững chắc và nghĩa tình của TPHCM. Thời bình, TPHCM phải có trách nhiệm đền đáp cái tình hậu phương đó. Không những vậy, với thế mạnh của mình, ĐBSCL là nơi cung cấp lương thực và nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp của TPHCM nên tất nhiên TPHCM càng phải tăng cường đầu tư và hỗ trợ ĐBSCL hơn nữa”.

Nâng tầm cao mới

* Tại lễ ký kết hợp tác với Sóc Trăng (năm 2009), đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: “Hợp tác phát triển KT-XH để giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, các địa phương vừa là nhu cầu phát triển hai bên nhưng quan trọng hơn, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm nghĩa tình của Đảng bộ và nhân dân TPHCM. Đặc biệt, Sóc Trăng có gần 500.000 hộ đồng bào Khmer sinh sống, trong đó có gần 30% hộ nghèo, thì việc chúng ta cùng nhau chăm lo cải thiện đời sống cho bà con Khmer càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.

Nhìn nhận thực tế, Th.s Cao Minh Nghĩa (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) cho rằng quy hoạch của TPHCM và một số tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL chưa được kết nối đồng bộ. Do đó chưa khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của TPHCM và các địa phương. Một số nội dung đã được lãnh đạo các ngành của TPHCM và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL bàn bạc thực hiện nhưng công tác tổ chức triển khai còn chậm. Trong từng lĩnh vực chuyên ngành, nhiệm vụ của các sở ngành là thực hiện công tác quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố mà mình quản lý nên nhiều quy hoạch ngành nghề còn chồng chéo, lãng phí. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các địa phương chưa có mối quan hệ gắn bó nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, làm ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng.

Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, những năm gần đây, mỗi địa phương đang phải đối mặt với những khó khăn riêng nên cố thủ bảo vệ lợi ích của địa phương mình, làm mờ lợi ích chung toàn vùng. Nếu mỗi bên chỉ chú ý giải quyết vấn đề nội tại và chỉ trong phạm vi khuôn khổ của mình thì kết quả chung sẽ phiến diện, không như mong muốn. Sự yếu kém của ĐBSCL sẽ là một gánh nặng không chỉ của chính mình mà còn là một áp lực đè nặng lên sự phát triển của nhiều vùng khác.

Rõ ràng, TPHCM không dễ dàng bứt phá vươn lên nếu không có sự hợp tác sâu rộng hơn với ĐBSCL. Điều đó cho thấy, đã đến lúc cần bổ sung vào chiến lược đầu tư quốc gia, đầu tư tập trung vào các tam giác tăng trưởng. Trong bối cảnh các khu công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đang thiếu nhà đầu tư, các tỉnh trong vùng đang khát khao mời chào, việc thu hút, tiếp nhận các luồng đầu tư phải có sự chọn lọc để tránh trở thành vùng trũng đón nhận các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, di hại lâu dài cho vùng đất này. Không có sự phối hợp giữa các tỉnh trong vùng, hợp tác với TPHCM, ĐBSCL không thể vượt qua những trở ngại để thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng. Mối quan hệ hợp tác mới cần được nhấn mạnh trên khía cạnh lợi ích chung toàn vùng và của cả nền kinh tế.

Có thể nói các tỉnh, thành ĐBSCL giờ đây đang trỗi dậy, phát huy tối đa tiềm năng phong phú của mình, tăng cường liên kết vùng, miền và cả nước để vươn lên phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Phong Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: “ĐBSCL được sự hỗ trợ rất lớn của cả nước, gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có miền Đông Nam bộ và đặc biệt là TPHCM. Có thể nói rằng các tỉnh, thành ĐBSCL đều đặt niềm tin vào TPHCM, và TPHCM cũng đã thể hiện được niềm tin ấy để cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện”.

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục