TP Hồ Chí Minh xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 29,22 tỷ USD, tăng 8,3%; nhập khẩu giảm 2,2% so với năm 2013. Đáng chú ý, chất lượng xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn TPHCM tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững ở nhiều lĩnh vực.
TP Hồ Chí Minh xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 29,22 tỷ USD, tăng 8,3%; nhập khẩu giảm 2,2% so với năm 2013. Đáng chú ý, chất lượng xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn TPHCM tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững ở nhiều lĩnh vực.

Mở rộng lĩnh vực

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tại các cửa khẩu trên địa bàn năm qua ước đạt 29,22 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013. Khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, tại TPHCM có sự tham gia tích cực của các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Đến nay, TPHCM vẫn là địa bàn có số lượng văn phòng đại diện lớn nhất nước, các hoạt động xuất nhập khẩu giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài có văn phòng đại diện tại TP đã góp gần 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm của cả nước. Những quốc gia, vùng lãnh thổ có văn phòng đại diện hoạt động hiệu quả tại TP gồm: Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Dệt vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp qua cảng TP năm qua ước đạt 25,44 tỷ USD, giảm 2,2% so với năm 2013. Theo lý giải của một cán bộ Phòng Kế hoạch-đầu tư Sở Công thương TPHCM, kim ngạch xuất khẩu đạt cao hơn nhập khẩu và cao hơn cùng kỳ, thể hiện rõ xu hướng phục hồi tích cực. Nếu loại trừ dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP tăng trưởng khá cao so cùng kỳ. Mặt khác, cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đang có sự chuyển biến tích cực, cho thấy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp TP vẫn phát triển ổn định, có sự khởi sắc. “Những mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành đã đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung trong năm 2014. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng chuyển dần tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Tỷ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm mức cao 69,5%”, một cán bộ Phòng Kế hoạch - Đầu tư Sở Công thương TPHCM phân tích.

Ngoài ra, chất lượng xuất khẩu tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Đơn cử, những năm trước mức tăng kim ngạch xuất khẩu thường do doanh nghiệp FDI thì nay doanh nghiệp trong nước đã có sự tăng trưởng khá, tăng 11,5%. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm mức cao 67,5%; thị trường xuất nhập khẩu phát triển phù hợp, theo hướng đa dạng, hạn chế tình trạng lệ thuộc vào một thị trường, xuất khẩu tăng mạnh ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, tăng chậm ở thị trường Trung Quốc. Các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu đang chuyển đổi thị trường nhập khẩu.

Tiến tới làm chủ nguyên liệu

Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Văn Khoa, tín hiệu giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng thời gian gần đây, ở một góc độ nào đó rất đáng mừng khi người tiêu dùng đã có sự công nhận đối với hàng sản xuất trong nước. Đáng chú ý, trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng tiêu dùng giảm sút mà lượng hàng tiêu dùng vẫn tăng, cho thấy, người tiêu dùng đã và đang lựa chọn nhiều mặt hàng nội địa với chi phí rẻ hơn nhằm mục đích tiết kiệm chi tiêu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có được những kết quả đáng ghi nhận, tạo nên những thay đổi trong hành vi mua sắm của người dân; chất lượng của hạ tầng phân phối thương mại như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại… đã được người tiêu dùng đánh giá tốt hơn khi có khả năng cung cấp sự đa dạng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.

Ngoài ra, năm qua dù kim ngạch nhập khẩu được duy trì ở mức tăng trưởng thấp, nhưng cơ cấu hàng nhập khẩu vẫn chuyển dịch theo hướng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Các vật tư, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị vẫn được nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Hoạt động đầu tư phát triển nguyên liệu hỗ trợ đang dần được hình thành và thay thế dần hàng nhập khẩu; nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có xu hướng giảm dần, các doanh nghiệp trong nước đang dần hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu với doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu. Theo đó, giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu theo xu hướng tăng lên và dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu thấp do thị trường thế giới còn nhiều bất ổn, rào cản thương mại gia tăng… đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sản xuất trong nước còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn vật tư, linh kiện, phụ tùng… nhập khẩu; công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu sản xuất trong nước. “Nhìn chung các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; linh kiện điện thoại; nguyên phụ kiện dệt may, da giày. Vì vậy, song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn lực, đầu tư thiết bị công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động cung ứng nguyên phụ liệu”, ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục