TPHCM: 100% học sinh lớp 1, 2 được học tiếng Anh tại trường

Đó là một trong những nội dung vừa được Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các quận, huyện quan tâm thực hiện trong năm học 2016-2017.
TPHCM: 100% học sinh lớp 1, 2 được học tiếng Anh tại trường

(SGGP).- Đó là một trong những nội dung vừa được Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các quận, huyện quan tâm thực hiện trong năm học 2016-2017.

TPHCM: 100% học sinh lớp 1, 2 được học tiếng Anh tại trường ảnh 1

Một tiết học tiếng Anh lớp 1 ở Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi (H.Hóc Môn)

Theo đó, tùy vào điều kiện tổ chức và nhu cầu đăng ký của phụ huynh, các trường có thể lựa chọn một trong bốn chương trình: Tiếng Anh tăng cường, Tiếng Anh theo đề án, Tiếng Anh tự chọn (sẽ thực hiện cuốn chiếu và kết thúc vào năm 2020) và Tiếng Anh tích hợp (dạy tiếng Anh qua các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh). Trường tổ chức dạy tiếng Anh phải là trường học 2 buổi/ngày. Đối với các trường học 1 buổi/ngày, hiệu trưởng phải có tờ trình gửi về phòng GD-ĐT quận, huyện xin phép tổ chức dạy học với thời lượng trên 5 buổi/tuần và phải được sự đồng ý của phòng GD-ĐT trước khi triển khai giảng dạy.

Riêng về việc mời giáo viên bản ngữ cũng như sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy tiếng Anh, Sở GD-ĐT cũng lưu ý các trường dùng nguồn kinh phí xã hội hóa để chi trả các khoản chi phí. Đối với các giờ giáo viên bản ngữ lên lớp, phải có giáo viên Việt Nam trợ giảng nhằm phát huy tối đa hiệu quả giảng dạy, nhưng không được phiên dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt cho học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa làm việc với Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (BQL Đề án) về triển khai các nhiệm vụ của đề án.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định vai trò quan trọng của giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của đề án trong giai đoạn tới là bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và công tác khảo thí ngoại ngữ. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu BQL Đề án tập trung thực hiện các  nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc dự thảo kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2016 -2020 định hướng tới năm 2025 với 3 nội dung chính: Bồi dưỡng giáo viên, đổi mới công tác khảo thí và xây dựng cơ chế chính sách về ngoại ngữ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu BQL Đề án xây dựng mạng lưới điều phối triển khai đề án, đảm bảo hiệu quả và nâng cao năng lực quản lý việc dạy - học ngoại ngữ trên toàn hệ thống. Cùng với đó, xây dựng chương trình truyền thông để toàn xã hội thấy được vị trí, vai trò của việc học ngoại ngữ trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, nhất là khi nước ta tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đặc biệt, sớm triển khai việc dạy học thí điểm tiếng Hàn, tiếng Nhật ở phổ thông theo thỏa thuận đã ký kết với Hàn Quốc và Nhật Bản.

THU TÂM - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục