TPHCM: 5 nhóm giải pháp trọng tâm ứng phó với biến đổi khí hậu

TPHCM: 5 nhóm giải pháp trọng tâm ứng phó với biến đổi khí hậu

(SGGPO).- Ngày 26- 10, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX khai mạc. Nội dung hội nghị là thảo luận và thông qua Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

19 tuyến đường thường xuyên bị ngập

Khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua phát biểu trong những năm qua, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn TPHCM diễn biến rất phức tạp, khó lường và cực đoan, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo thống kê, 13 năm trở lại đây (từ năm 2001 đến tháng 10-2013) bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng có xu thế ảnh hưởng đến Nam Bộ; bão mạnh và có đường đi phức tạp đã gây mưa lớn, ngập úng TP. Điển hình là cơn bão số 9- Durian và bão số 1- Pakhar đã ảnh hưởng trực tiếp vào Cần Giờ và nhiều địa phương gây thiệt hại trên địa bàn TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: Việt Dũng

Trước tình hình nói trên nên nhưng năm qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TP về giảm ngập nước, vể giảm ô nhiễm môi trường… bước đầu đạt một số kết quả quan trọng. Báo cáo của Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Tất Thành Cang làm rõ thêm nội dung này khi cho biết, tính đến nay, TP đã xử lý được 43/58 điểm ngập do mưa; 23/26 điểm ngập do triều cường trên toàn địa bàn TP. Kết quả này là do TP đã đưa vào vận hành 246 tuyến cống thoát nước với chiều dài 333,4 km: Cải thiện môi trường nước (23,765 km), Đại lộ Đông Tây (67,235km); Vệ sinh môi trường Nhiêu lộc Thị Nghè (46,528 km); Nâng cấp đô thị (27,045km)… Ngoài ra, TP đã thực hiện 219 hạng mục công trình cấp bách để xóa, giảm các điểm ngập hiện hữu tại vùng trung tâm.

Tuy nhiên, mới đây nhất, trong đợt triều cường (kết hợp mưa) giữa tháng 10/2013 có 19 tuyến đường thường xuyên bị ngập với chiều sâu ngập từ 0,1m – 0,44m. Trong đó, ngập nặng  gồm các tuyến: Lương Định Của, quận 2 (0,44m); Huỳnh Tân Phát, quận 7 (0,4m); Thảo Điền, quận 2 (0,37m); Hoà Bình, quận 11, Đặng Nguyên Cẩn, quận 6 (0,3m). Trong 19 điểm nói trên, có 5 điểm (Đặng Nguyên Cẩn, Tân Hoá, Chợ Lớn quận 6; Xa lộ Hà Nội quận 2; Bình Lợi quận Bình Thạnh) nằm ngoài danh mục 58 điểm ngập do mưa và 26 điểm ngập do triều. Ngoài ra, trong các điểm ngập đã xoá, còn 3 điểm có khả năng tái ngập gồm Quốc lộ 1A,  Đỗ Xuân Hợp, và Lê Đức Thọ.
 
Ngoài ra, đề cập đến tình hình thủy triều, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết, đỉnh triều trên sông Sài Gòn luôn đạt kỷ lục năm sau cao hơn năm trước, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) từ 2001 đến nay luôn vượt mức báo động cấp II (1,40m). Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây đỉnh triều luôn vượt mức báo động cấp III (1,50m).

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP đã liên tục xuất hiện tổ hợp bất lợi giữa mưa xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường, gây ngập nhiều nơi trên địa bàn TP. Một số tuyến đường mới đưa vào sử dụng cũng bị ngập do triều (điển hình như một số đoạn trên đường Võ Văn Kiệt). Nhận định của lãnh đạo Sở GTVT TP cho thấy: “Diễn biến thời tiết trên địa bàn TP trong thời gian qua rất bất lợi cho công tác chống ngập”.

“Việc gia tăng cường độ mưa và mực nước triều là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận có nguyên nhân do những bất cập trong công tác quy hoạch của TP” – Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đánh giá.

Tập trung vốn chống ngập

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, TPHCM đã xác định rõ 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể: đổi mới công tác tuyên truyền, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý nhà nước; Ưu tiên bố trí tài chính và cuối cùng là mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế.

Riêng về quản lý Nhà nước, TP sẽ khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết có tính khả thi, chọn ngay một số địa điểm để xây dựng hồ điều tiết nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho các hệ thống cống hiện đang quá tải. TP cũng sẽ hoàn thiện bản đồ cảnh báo ngập và hành lang thoát lũ khẩn cấp và  công bố thông tin đến mọi người dân.

Bên cạnh việc chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quản lý quỹ đất; triển khai phối hợp với các tỉnh lân cận trong cùng lưu vực sông Đồng Nai- sông Sài Gòn, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, TPHCM cũng sẽ ưu tiên bố trí ngân sách, chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về công nghệ và tài chính từ trong và ngoài nước, đặc biệt cho sự án phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng đồng thời tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn ODA để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đe bao và cống kiểm soát triều.

Công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang triển khai thi công quyết liệt chống ngập cho thành phố. Ảnh: Cao Minh

Công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang triển khai thi công quyết liệt chống ngập cho thành phố. Ảnh: Cao Minh

>>Thông báo Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục