Ngày 22-3, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị tổng kết 5 năm Chương trình hợp tác thương mại (HTTM) giữa Sở Công thương TPHCM với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ (2011-2015). Chương trình đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) hình thành mối liên kết giữa sản xuất và phân phối, là cơ sở để TPHCM và các tỉnh, thành hướng tới phát triển bền vững.
Thành công trên nhiều lĩnh vực
Kết nối cung - cầu hàng hóa là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ của chương trình HTTM. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã ký kết 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, giao thương hai chiều đạt doanh thu 22.132 tỷ đồng. Trong đó, các DN TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa từ các tỉnh, thành đạt gần 14.000 tỷ đồng, đồng thời cung ứng gần 7.000 tỷ đồng hàng hóa đến các địa phương. Trong lĩnh vực liên kết đầu tư, các DN đồng hành cùng chương trình đã thực hiện 75 dự án đầu tư, sản xuất hoặc liên kết đầu tư với tổng vốn 27.428 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án nuôi trồng và chế biến thực phẩm. Các DN TPHCM cũng đã đầu tư 13 trung tâm thương mại, 269 siêu thị và hơn 500 cửa hàng, đại lý giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, với 989 hội chợ triển lãm được tổ chức tại TPHCM, 132 hội chợ triển lãm tổ chức tại các tỉnh, thành, đã là cầu nối cho cộng đồng DN tham gia giới thiệu hàng hóa, thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất, cây con giống, tạo điều kiện người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm mới…
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM và Sở Công thương các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ ký kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020.
Đánh giá 5 năm thực hiện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhấn mạnh, chương trình là nền tảng thúc đẩy DN tạo lập các mối quan hệ trong sản xuất - lưu thông hàng hóa, tăng cường phối hợp kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đưa vào lưu thông tại TPHCM. Chương trình cũng đã phát triển mô hình kết nối DN - ngân hàng đến các tỉnh, thành; đào tạo nghiệp vụ cho ban quản lý và kỹ năng bán hàng cho tiểu thương ở các chợ truyền thống, góp phần làm thay đổi hoạt động thương mại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.
Hợp tác phát triển sản phẩm an toàn
Tuy vậy, chương trình còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Các hệ thống phân phối của TPHCM chưa đầu tư lớn cho hệ thống thu mua, kho hàng tập kết và mạng lưới điều phối hàng hóa, nên đôi lúc gây khó khăn cho các DN cung ứng. Theo ông Phan Kim Sa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, việc liên kết tiêu thụ nông thủy sản giữa DN hai địa phương đã từng bước hoàn thiện nhưng chưa đi vào chiều sâu. Hiện hàng nông nghiệp đặc sản của Đồng Tháp vào hệ thống siêu thị TPHCM chưa nhiều, chậm và vẫn còn một số mặt hàng bị loại do nhiều nguyên nhân, trong đó một số sản phẩm chưa đáp ứng một số yêu cầu cơ bản, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhóm hàng rau củ chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chủng loại, thời gian giao hàng vào các siêu thị nên chưa thực hiện được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Để phát huy hiệu quả của chương trình trong giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến cho rằng, HTTM không nên dừng lại ở từng tỉnh mà cần phải xác định và nhắm đến lợi thế vùng. TPHCM cần tạo điều kiện để các nhà sản xuất, phân phối đầu tư mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm tại các tỉnh, thành. Từ đó giúp các nhà sản xuất tiếp cận và ứng dụng được những tiến bộ khoa học vào sản xuất, nuôi trồng, tạo ra các vùng chuyên canh, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao và số lượng lớn.
Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (An Giang) Tạ Minh Sơn chia sẻ, DN của TPHCM và các tỉnh, thành cần xác định hợp tác theo tiêu chí “đôi bên cùng có lợi”. Thực tế, Tứ Sơn đã và đang tiêu thụ lượng hàng hóa rất lớn từ các DN TPHCM. Ngược lại, các DN của các tỉnh, thành khi sản xuất ra hàng hóa cũng mong sẽ bán được vào hệ thống phân phối của TPHCM. Trong quá trình hợp tác, rất cần sự chia sẻ giữa các nhà cung cấp và nhà phân phối trong việc thanh toán, để hỗ trợ các nhà sản xuất có điều kiện quay vòng nhanh đồng vốn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao kết quả của chương trình HTTM. Thứ trưởng cũng lưu ý: “Trọng tâm của chương trình trong giai đoạn mới là cần tập trung triển khai các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời có kế hoạch tuyên truyền về điểm bán hàng “sạch” để người dân biết và tin dùng. Theo tôi, đây chính là hướng đi bền vững của chương trình hợp tác trong thời gian tới. Và chỉ như vậy, hàng hóa Việt mới đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập”.
| |
THÚY HẢI - HẠNH NHUNG