TPHCM: Cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch

Ngày 9-3, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết, vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện vùng ven về việc cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, biển và thực hiện các biện pháp phòng, chống ứng phó.
TPHCM: Cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch

(SGGPO).- Ngày 9-3, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết, vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện vùng ven về việc cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch, biển và thực hiện các biện pháp phòng, chống ứng phó.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, hiện nay thành phố đang bước vào thời điểm thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất ven sông, kênh, rạch, biển (bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9), do đây là các tháng có mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải hiện trên địa bàn thành phố có 62 khu vực sạt lở; trong đó, có 29 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 18 khu vực sạt lở mức độ nguy hiểm và 15 khu vực sạt lở mức độ bình thường.

Hiện trường vụ sạt lở xảy ra tại bờ rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM xảy ra vào năm 2011.

Hiện trường vụ sạt lở xảy ra tại bờ rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM xảy ra vào năm 2011.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do sạt lở gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, quận-huyện có liên quan triển khai ngay các biện pháp như sau: Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở tại các tuyến sông, kênh, rạch được phân cấp quản lý (bao gồm cả các luồng tuyến giao thông do Trung ương quản lý) để phân loại mức độ sạt lở và sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở; từ đó đề xuất biện pháp thích hợp phòng, tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại. Tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển và lập các bến bãi trái phép gây sạt lở trên địa bàn thành phố. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thi công các công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, biển; thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đã được đầu tư xây dựng để kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng và tiến hành duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, triều cường. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố trái phép, không phép, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai...

Đ.Lý

Tin cùng chuyên mục