Liên tiếp những ngày vừa qua, tại Hà Nội và Bình Dương đã xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng 9 người. Còn nếu tính từ đầu tháng 1 năm 2010 đến nay trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 36 vụ cháy, làm 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 40 tỷ đồng. Trước việc cháy nổ diễn biến phức tạp như trên, TPHCM có giải pháp gì để phòng chống?
Giáo dục ý thức - tiêu chí số một
Trong vụ cháy chung cư JSC 18 tầng tại Hà Nội, nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do người dân bất cẩn vứt vật phát lửa vào họng rác. Lửa phát sinh từ buồng chứa rác ở tầng 1, sau đó khói theo đường họng rác bốc lên các tầng trên gây ngạt cho người dân sinh sống tại đây. Hai trong số nhiều nạn nhân mắc kẹt đã bị chết do ngộp khói. Đáng chú ý hơn, tại chung cư này không có hệ thống chữa cháy tự động.
Một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC TPHCM nhìn nhận: Nếu như mỗi người sống trong chung cư đều có ý thức chấp hành nghiêm an toàn PCCC, không vứt những vật phát lửa, bén lửa vào khu vực dễ cháy, nhiều khả năng đám cháy sẽ không xảy ra.
Các nhà đầu tư xây dựng chung cư cũng phải có ý thức chấp hành nghiêm các qui chuẩn về an toàn PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. Điều này đòi hỏi tất cả các công trình cao tầng phải qua thẩm duyệt về PCCC, cần được trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị PCCC như đảm bảo lối thoát nạn (hành lang, cầu thang) an toàn, có hệ thống thông gió, thoát khói, có giải pháp ngăn cháy lan, chống cháy lan, trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, bình chữa cháy các loại…
Cửa hầm rác phải kín để vừa ngăn mùi hôi vừa có tác dụng chống cháy, không để khói thoát ra ngoài, hạn chế khả năng tụ, ngộp khói. Quy định trên được áp dụng đối với tất cả các tòa nhà cao tầng, tuy nhiên hiện nay, một số nhà đầu tư viện lý do thiếu kinh phí để trốn tránh trách nhiệm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh sự cố cháy nổ tại nhà cao tầng.
“Sở Cảnh sát PCCC đã có kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC tại tất cả các tòa nhà cao tầng. Một số quận, huyện đã làm tốt việc kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm đồng thời tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC cho người dân. Do vậy, tình hình cháy nổ nhà cao tầng trên địa bàn TPHCM được hạn chế. Tuy nhiên, một số BQL chung cư vẫn còn thụ động với công tác PCCC, khi kiểm tra, nhắc nhở mới thực hiện hoặc chấp hành theo kiểu đối phó với các cơ quan chức năng. Mong rằng, trong thời gian tới, các chủ cơ sở, BQL chung cư, người dân hợp tác hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Xã hội càng phát triển, người dân càng có xu hướng ở chung cư. Do vậy, yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ phải được đặt ngang hàng với công tác đảm bảo an ninh trật tự”- Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết.
Kiểm tra, xử lý sai phạm: phải làm nghiêm
Một năm, cảnh sát PCCC chỉ được kiểm tra 4 lần (đối với một cơ sở), lực lượng kiểm tra lại mỏng nên không thể phủ kín địa bàn. Hơn nữa, muốn đi kiểm tra, cảnh sát PCCC phải thông báo cho cơ sở đó trước 3 ngày nên khi xuống đến nơi thì cơ sở đó đã “dọn dẹp” sạch sẽ. Vì vậy, kiểm tra xong thì đâu lại vào đấy. Do vậy, cán bộ kiểm tra cần làm việc nghiêm túc, tăng cường phúc tra, kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở cố tình vi phạm an toàn PCCC.
Công tác tự kiểm tra (điều kiện an toàn, lực lượng, phương tiện PCCC) là quy định bắt buộc đối với người đứng đầu mỗi cơ sở. Đối với các cơ sở dễ gây nguy hiểm về cháy nổ mỗi tháng phải tự kiểm tra một lần. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi không chấp hành nghiêm quy định này, khi kiểm tra thì đối phó cho xong chuyện. Thái độ vô trách nhiệm của các chủ cơ sở đôi lúc dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu cháy nổ xảy ra.
Vụ cháy xảy ra ngày 27-2 tại Công ty TNHH Scancia Pacific (KCN Tân Tạo – Bình Tân), thiêu rụi 10.000m2 hàng hóa, máy móc, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng một phần do cơ sở trên không chấp hành nghiêm Luật PCCC. Trước đó, cán bộ kiểm tra đã 2 lần phát hiện vi phạm, xử phạt hơn 8 triệu đồng và nhiều lần yêu cầu cơ sở phải khắc phục các giải pháp ngăn cháy và phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên, cơ sở trên vẫn không khắc phục, cho đến lúc cháy xảy ra... thì chuyện đã rồi.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ năm 2010 (từ ngày 14 – 21-3), UBND TP đã chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM có kế hoạch rà soát và xây dựng hoàn chỉnh phương án chữa cháy đối với trụ sở làm việc, kho tàng và những nơi nguy hiểm về cháy nổ, đồng thời phải kiểm tra, thay thế những phương tiện chữa cháy, cứu người không đảm bảo tiêu chuẩn; tổ chức hội thi phương án chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại cơ sở, khu phố để nâng cao năng lực chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của lực lượng chữa cháy tại chỗ; hướng dẫn người đứng đầu cơ sở những quy định pháp luật về PCCC, thao tác sử dụng phương tiện PCCC; in ấn các tờ khuyến cáo, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với các chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, hộ gia đình; tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại, quán bar, vũ trường, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa, hệ thống điện, các chất dễ cháy nổ.
Nơi nào chưa có lực lượng PCCC tại chỗ phải thành lập ngay và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng này…
HOÀNG HOA
- Thông tin liên quan:
>> Vụ cháy làm 7 người chết ở Bình Dương: Hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án