TPHCM chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, trong năm 2022, TPHCM chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mặt khác, gắn tiến trình xây dựng chính quyền đô thị với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị.

Sáng 12-1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ xung quanh nội dung tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, các nhiệm vụ triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra, đảm bảo việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn. Thời gian tới, TPHCM tiếp tục thực hiện đánh giá hiệu quả thực tiễn và không ngừng nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền định hướng, tháo gỡ vướng mắc trên các lĩnh vực.

TPHCM chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị ảnh 1 Lảnh đạo TPHCM và các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TPHCM

Song trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, TPHCM đang gặp hai khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Điều 6 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định “căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách TP, UBND TPHCM trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở để bố trí số lượng cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã làm việc tại phường được thực hiện theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP (bố trí theo phân loại đơn vị hành chính). Vì vậy, TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn xử lý sự khác biệt giữa hai quy định trên. Bởi vì, với số lượng nhân sự như quy định sẽ không đủ nguồn lực để địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc Đảng ủy, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội ở phường. Việc chuyển đổi công chức phường thuộc biên chế của UBND quận cần thực hiện đối với cả cán bộ công tác Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội. Mặt khác, số lượng cấp phó MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần được bổ sung để tăng cường khả năng giám sát, phản biện xã hội.

Đồng chí Võ Văn Hoan cho biết, năm 2022, TPHCM tiếp tục chọn chủ đề năm gắn với tổ chức chính quyền đô thị là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Theo đó, TPHCM sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết thay thế, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển phù hợp với quy mô chính quyền đô thị trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, TPHCM không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chú trọng vai trò của HĐND TP, Đoàn ĐBQH TP, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc đảm bảo và phát huy hơn nữa quyền được tiếp nhận thông tin, quyền đại diện và quyền dân chủ của nhân dân. Vận động nâng cao tỷ lệ người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trọng sạch, vững mạnh. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Đồng thời, chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mặt khác, gắn tiến trình xây dựng chính quyền đô thị với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Tin cùng chuyên mục