TPHCM chưa giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Để cải thiện chất lượng sống của người dân TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề ra 7 mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện từ năm 2011-2015, chỉ có 2/7 mục tiêu thực hiện hoàn thành. 2 mục tiêu khác không hoàn thành và số còn lại chỉ có thể hoàn thành 50%. Kết quả là chất lượng môi trường sống, sức khỏe của người dân vẫn bị tổn hại nặng nề từ chất thải ô nhiễm. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
TPHCM chưa giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Để cải thiện chất lượng sống của người dân TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề ra 7 mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện từ năm 2011-2015, chỉ có 2/7 mục tiêu thực hiện hoàn thành. 2 mục tiêu khác không hoàn thành và số còn lại chỉ có thể hoàn thành 50%. Kết quả là chất lượng môi trường sống, sức khỏe của người dân vẫn bị tổn hại nặng nề từ chất thải ô nhiễm. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thu gom rác thải y tế giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ

70% mục tiêu đề ra không đạt yêu cầu

2/7 mục tiêu đạt được yêu cầu đề ra là có 100% người dân thành phố được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thông qua hệ thống thông tin truyền thông, các tổ chức đoàn thể, hầu hết người dân thành phố đều đã ít nhiều tiếp cận với những thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. 16/16 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, có đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; Khu công nghiệp Đông Nam đang xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Riêng đối với CCN, 100% cụm đã đi vào hoạt động, có đơn vị kinh doanh hạ tầng (2/12 cụm), có hệ thống xử lý nước thải tập trung (CCN Nhị Xuân, Lê Minh Xuân); 100% các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN chưa có đơn vị kinh doanh hạ tầng (10/12 cụm), có thực hiện xử lý nước thải cục bộ.

Tuy nhiên, 5 mục tiêu còn lại không đạt hoặc được đánh giá là đạt 50% lại là những mục tiêu mấu chốt giúp cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân. Cụ thể như 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành, 60% mức độ ô nhiễm khu vực ngoại thành, đều không đạt. Đến hết năm 2015, chỉ mới có Trạm Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng đi vào hoạt động với tổng công suất 171.000m3/ngày, chiếm 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên toàn địa bàn thành phố. Tổng lượng nước thải còn lại vẫn tiếp tục đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch. Chất lượng nước hệ thống kênh rạch quan trắc trong năm 2015 cho thấy vẫn bị ô nhiễm nặng.

Hai mục tiêu khác là giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất; 50% ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông - vận tải và kiểm soát 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về môi trường, có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, xử lý chất thải đúng quy định chỉ đạt được một phần. Hiện số lượng nguồn thải trên địa bàn thành phố khoảng 3.300 nguồn có lưu lượng nước thải trên 10m3/ngày, nhưng chỉ khoảng 85% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải. Số còn lại và số nguồn thải dưới 10m3/ngày thì chưa thể kiểm soát và xử lý được. Tương tự, với khí thải, chỉ có 85% trong tổng số 999 nguồn thải thống kê được là có hệ thống xử lý khí thải. Số còn lại và khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông chưa thể kiểm soát.

Riêng lĩnh vực chất thải rắn, mục tiêu đề ra là phải lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam 100% tổng lượng chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ tiêu này không thể thực hiện.

Khó kinh phí hay lỏng chế tài?

Lý giải thực tế trên, về phía sở thừa nhận là chưa đánh giá hết những khó khăn khi thực hiện thực tế. Vấn đề xử lý chất thải rắn, một số dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải không triển khai do giá xử lý cao, khó thực hiện. Việc triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn gặp khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người thu gom rác dân lập tham gia chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn; chưa có quy định về thu gom chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải là cá nhân, hộ gia đình.

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho biết, với những mục tiêu chưa đạt được cũng còn một số nguyên nhân khách quan như nguồn nhân lực, kinh phí còn hạn chế, nên chỉ kiểm tra nguồn thải có lưu lượng lớn, tập trung ưu tiên giải quyết giảm ô nhiễm môi trường ở các hệ thống kênh, rạch chính. Không chỉ vậy, tình trạng gây ô nhiễm từ hoạt động của các CCN dù bức thiết nhưng vẫn chưa thể khắc phục vì khó kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng, nhất là với các CCN đã đi vào hoạt động. Việc đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung đô thị đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, vượt quá khả năng chi của ngân sách. Do vậy, thành phố phải dựa vào hoạt động kêu gọi đầu tư của nước ngoài. Đây cũng là lý do thành phố không thể chủ động định lượng thời gian hoàn thành do chưa mời gọi được nhà đầu tư. Tình trạng này kéo dài cũng đồng nghĩa với việc chất lượng nước kênh rạch khó mà cải thiện được.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng ngoài những nguyên nhân trên, dân số thành phố tăng nhanh nhưng ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế cũng dẫn đến gia tăng ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Điển hình nhất là tình trạng buôn bán, chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường khá phổ biến. Toàn bộ lượng chất thải bao gồm nước thải, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động buôn bán tự phát này được thải bỏ bừa bãi trên đường phố, cống rãnh, kênh rạch, cầu phà… làm ảnh nghiêm trọng đến chất lượng nước kênh. Nhiều đoạn kênh chảy qua khu vực dân cư bị ô nhiễm vì bị rác chặng đứng dòng chảy. Với các dự án khu đô thị mới đi vào hoạt động, chủ đầu tư còn né tránh trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn những doanh nghiệp vận hành hệ thống xử lý nước thải chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra… Do vậy, bên cạnh những giải pháp đầu tư hạ tầng xử lý ô nhiễm môi trường thì cần phải áp dụng biện pháp xử lý, chế tài thật nặng với những hành vi vi phạm môi trường trong cộng đồng. Có như vậy mới đảm bảo tính bền vững cho những dự án hạ tầng được đầu tư để cải thiện chất lượng môi trường vốn đang bị ô nhiễm nặng nề trên địa bàn thành phố.

ÁI  VÂN

Tin cùng chuyên mục