Nhiều năm qua, tại nhiều khu phố trên địa bàn TPHCM, người dân tích cực tham gia các phong trào tình nguyện dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. Nói theo Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Nguyễn Thành Rum, điều này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân TP trong việc chung tay xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng xanh sạch đẹp.
“Xuống đường” vận động
Đường Trần Hưng Đạo là tuyến đường lớn nối 2 trung tâm thương mại - dịch vụ Bến Thành và Chợ Lớn của hai quận 1 và 5. Dọc hai bên tuyến đường này có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cửa hàng buôn bán sầm uất. Vậy nhưng lâu nay tuyến đường này cũng nằm trong danh sách “đen” với hệ thống lưới điện chằng chịt, nạn lấn chiếm vỉa hè diễn ra thường xuyên quanh Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Thương xá Đồng Khánh, xe cộ quanh các shop thời trang tràn hẳn xuống đường… Mặc dù quận 1 và quận 5 thường xuyên ra quân xử lý nhưng tình trạng vẫn không giảm. Trong quá trình triển khai cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, Ban Dân vận Thành ủy đã quyết định chọn thí điểm thực hiện mô hình “Dân vận khéo trong xây dựng tuyến đường Trần Hưng Đạo đạt chuẩn văn minh đô thị”.
MTTQ quận 5 phối hợp với chính quyền , Hội LHPN quận 5 “xuống đường”vận động những người buôn bán không lấn chiếm vỉa hè, không đổ nước thải ra lòng lề đường; thực hiện mỗi tuần “15 phút vì TP văn minh, sạch đẹp”, tuyên truyền các hộ dân, kinh doanh đăng ký xây dựng tuyến đường không rác. Vào ngày cuối tuần, các hội viên phụ nữ quận 5 tham gia quét rửa vỉa hè, xóa bảng quảng cáo, trồng cây xanh trước nhà, chung cư, trường học, bệnh viện; vận động mọi người không phơi quần áo lên lan can, cửa sổ… Riêng các phường 1, 2, 5, 6, 10 được coi là điểm “nóng” về rác trên địa bàn, các chị cùng với UBND phường thành lập tổ thu gom rác tình nguyện, làm việc hàng ngày để các tuyến đường Trần Hưng Đạo, các chung cư, trước cửa bệnh viện và trường học luôn sạch đẹp…
Bà Lương Thị Bạch, Phó Chủ tịch MTTQ quận 5 cho biết, sau hơn 1 năm kiên trì thực hiện, ý thức người dân sống trên tuyến đường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ kinh doanh đã tự sắp xếp xe khách gọn gàng, tạo lối đi cho người đi bộ. Nhiều hộ gia đình còn hưởng ứng trồng thêm cây xanh trước cửa nhà nhằm tạo thêm mảng xanh…
Kiên trì tạo chuyển biến
Đánh giá kết quả sau một năm triển khai thực hiện “Năm 2010 - Năm thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị”, nhiều đại biểu HĐND TPHCM đánh giá “văn minh”, “mỹ quan” của TP còn nhiều việc phải làm… Phân tích sâu hơn những mặt còn tồn tại, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM nhìn nhận: Các chương trình hành động ra quân chấn chỉnh trật tự, vệ sinh đô thị, mỹ quan đường phố được tiến hành liên tục ở các cấp nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để duy trì những kết quả đạt được. Nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật đô thị tuy được tập trung đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội chưa cao, văn hóa giao thông chưa có chuyển biến tích cực.
Thực hiện chủ trương của thành phố, nhiều khu phố, ấp, tổ đoàn kết... cũng đã tổ chức nhiều buổi họp dân, phổ biến các kiến thức pháp luật, các chủ trương chính sách của nhà nước... Tuy nhiên, các cuộc họp chưa tập trung vào nội dung chính, chỉ có 70% dân tham gia.
Nhận thức rõ còn nhiều việc phải làm để TPHCM thực sự sạch đẹp, văn minh hơn, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, năm 2011 các đơn vị phải tiếp tục bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng và xây dựng mỹ quan đô thị, tuyên truyền vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư, kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sự chuyển biến cụ thể hơn với mục tiêu tiến tới chấm dứt các hành vi thiếu văn hóa, không phù hợp với nếp sống văn minh đô thị.
Hơn 2.400 pa-nô tuyên truyền khắp TP, gần 23.000 vụ vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền 7,3 tỷ đồng. Thành phố đã trang bị gần 10.000 thùng rác và nhà vệ sinh công cộng, diện tích mảng xanh đạt hơn 148.000m²… là những con số khá ấn tượng đạt được qua hơn 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. "Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị đa dạng, phong phú, đã đi vào chiều sâu đến từng gia đình, từng khu phố. Các đoàn thể cũng đã vào cuộc, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Pháp luật cũng được điều chỉnh, bổ sung để xử phạt các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị. Nhiều địa phương đã sáng tạo những cách làm mới, tạo nên sự chuyển biến nhất định. Cuộc vận động đã đi vào nhận thức của mỗi người dân…" Bà NGUYỄN THỊ NGỌC ANH |
Trâm Anh - Linh Đan