TPHCM cùng cả nước, vì cả nước

TPHCM cùng cả nước, vì cả nước

Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, PV Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến một số lãnh đạo các tỉnh thành. “TPHCM luôn vì cả nước, cùng cả nước” - đa số lãnh đạo các tỉnh thành đều bày tỏ như vậy khi nói về sự hợp tác phát triển kinh tế với TPHCM thời gian qua.

  • Đồng chí Phạm Quang Nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội:
    Thủ đô Hà Nội - TPHCM như “cây một gốc, như con một nhà”

Với truyền thống gắn bó, trước đây, hiện nay và mãi mãi mai sau, với tinh thần “như cây một gốc, như con một nhà”, Hà Nội và TPHCM luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành và nồng ấm; luôn chia sẻ, động viên và sát cánh bên nhau trong sự nghiệp dựng xây thủ đô, TPHCM, với tinh thần vì cả nước, với cả nước. Đặc biệt là trong quá trình đổi mới, hai TP luôn thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị. Lãnh đạo hai TP thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, đặc biệt là sự giao lưu tình cảm.

Dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tình cảm sâu nặng và bằng những công trình hết sức có ý nghĩa, như Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM dành tặng thủ đô Hà Nội và cũng là tặng nhân dân cả nước đã nói lên tình yêu Hà Nội từ xưa đến nay đều có sẵn trong mỗi người Việt Nam, mỗi người dân TPHCM. Đó là những tình cảm vô cùng thiêng liêng, sâu nặng, như nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ đã nói hộ chúng ta:

“Ai đi về Bắc, cho theo với
Thăm lại non sông chốn Lạc, Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.


Cũng như TPHCM, Hà Nội hàng ngày đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề giống nhau, nhất là những việc liên quan đến quản lý đô thị; các vấn đề dân sinh bức xúc… đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành phải có sự nỗ lực vượt bậc, có quyết tâm cao.

Thành phố Hà Nội hết sức vui mừng trước những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đảng bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội rất vui mừng chúc đại hội thành công tốt đẹp; chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM đạt được những thành tựu quan trọng và to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển TP, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng ta.

  • Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ:
    Hợp tác với TPHCM tạo ra cơ hội phát triển cho ĐBSCL 

Từ năm 2000 đến nay, TPHCM đã ký kết với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL các chương trình hợp tác phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thành phố, trong đó có TP Cần Thơ. Thông qua chương trình ký kết hợp tác giữa 2 địa phương, nhiều lĩnh vực đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực kinh tế. Hợp tác với TPHCM có vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế không những của TP Cần Thơ mà còn đóng góp thiết thực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng. Hiện nay, các doanh nghiệp tại TPHCM đã triển khai nhiều dự án đầu tư hoặc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp tại Cần Thơ, bước đầu đã có nhiều thương hiệu lớn thể hiện việc đầu tư nghiêm túc, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH TP Cần Thơ với tổng số vốn hơn 230 triệu USD và 18.200 tỷ đồng.

Thời gian qua, các dự án giao thông như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... hoàn thành và đi vào hoạt động, đã góp phần quan trọng thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố trong vùng.

Tôi mong rằng, trong thời gian tới, TP Cần Thơ và TPHCM sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác này để khai thác đầy đủ tiềm năng lợi thế của 2 địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển.

  • Đồng chí Nguyễn Tuấn Minh Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
    Càng liên kết chặt chẽ, càng tạo động lực phát triển 

Có thể nói, trong những năm qua, mối liên kết phát triển vùng giữa TPHCM và các địa phương khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) ngày càng được thể hiện rõ nét và từng bước hình thành một trục phát triển kinh tế năng động nhất nước. Trong đó, TPHCM luôn đứng ở vị trí đầu tàu, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nhiều địa phương. Có thể thấy, mỗi bước phát triển của BR-VT đều phản ánh sự liên kết có hiệu quả với TPHCM. Chúng tôi coi đây là một thế mạnh cần được khai thác tối đa cho các mục tiêu phát triển trong nhiệm kỳ tới.

Trong những năm tới, yêu cầu của mối liên kết phát triển vùng với TPHCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ cao hơn, mang tính chiến lược, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến từng địa phương. Chỉ có liên kết chặt chẽ và tạo thành một trục phát triển kinh tế bền vững với TPHCM, BR-VT mới đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ V nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra. Trong định hướng phát triển, Đảng bộ tỉnh BR-VT luôn mong muốn được liên kết chặt chẽ hơn nữa với TPHCM trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng... Đây là những lĩnh vực TPHCM và BR-VT đều có tiềm năng rất lớn và nếu được liên kết chặt chẽ hơn, sẽ tạo thành thế mạnh có ý nghĩa thúc đẩy tăng trường kinh tế cả vùng.

  • Đồng chí Mai Thế Trung Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương:
    TPHCM luôn đóng vai trò trung tâm kinh tế của cả vùng 

Trong định hướng phát triển những năm qua, TPHCM luôn khẳng định ở vai trò trung tâm, vai trò đầu tàu kinh tế đối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự phát triển của TPHCM là điều kiện, cơ hội và động lực thúc đẩy tỉnh Bình Dương phát triển. Nhận thức được điều này, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã tranh thủ được cơ hội và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về văn hóa, nguồn nhân lực, hệ thống dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật đô thị của TPHCM, cộng với sự nỗ lực của bản thân địa phương mình để phát triển. Có thể khẳng định, không có sự phát triển mang tính bền vững của TPHCM, Bình Dương không thể phát triển mạnh và đột phá như ngày nay.

Nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển kinh tế vùng, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TPHCM thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với nhau trong giải quyết các vấn đề về quy hoạch, môi trường, kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị... Nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương được triển khai nhanh, đã kích thích, tạo nhiều cơ hội và điều kiện mới để cả hai địa phương cùng phát triển. Những thành tựu trong phát triển cũng như những thách thức, khó khăn mà TPHCM gặp phải luôn được tỉnh Bình Dương đúc kết, học tập và tìm ra những hướng đi mới phù hợp hơn với yêu cầu của tiến trình hội nhập và phát triển. Đây cũng là một lợi thế mà không địa phương nào có được.

  • Đồng chí Huỳnh Minh Chắc Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang:
    Hợp tác giữa TPHCM và Hậu Giang ngày càng phát triển bền vững 

Ngay sau khi tách tỉnh, cơ sở hạ tầng của tỉnh Hậu Giang còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài hợp tác với các địa phương tiếp giáp, lãnh đạo tỉnh đã xúc tiến ký kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với TPHCM (ngày 22-2-2006). Qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TPHCM, một số ngành, lĩnh vực đạt được những kết quả nhất định. Một số chương trình hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi kinh nghiệm; chuyển giao kỹ thuật được thực hiện với tinh thần hợp tác rất cao. Đến nay, có hơn 30 đơn vị và cá nhân từ TPHCM thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang với tổng vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng.

Những kết quả khả quan này phản ánh sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TPHCM và tỉnh Hậu Giang. Sự phối hợp thực hiện rất khoa học với tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia. Qua đó, các ngành chức năng của TPHCM và Hậu Giang đã xác lập các bước hỗ trợ cụ thể trên các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp - thương mại, dịch vụ, xúc tiến đầu tư - du lịch; khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo và xóa đói giảm nghèo.

Hậu Giang mong muốn chương trình hợp tác với TPHCM sẽ có bước phát triển mới. Qua đó, chương trình hợp tác sẽ phát triển toàn diện về mọi mặt, đặc biệt hợp tác để giải quyết đầu ra cho nguồn nguyên liệu nông – thủy sản dồi dào của Hậu Giang; học tập kinh nghiệm về xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, quản lý và xây dựng đô thị, các khu công nghiệp… 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục