TPHCM: Đã có 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Ngày 23-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trong tuần qua (từ ngày 15-8 đến 21-8) mặc dù đã giảm 15% so với trung bình 4 tuần trước nhưng vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Trong tuần, TPHCM ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết trong năm nay là 18 trường hợp.
Diệt lăng quăng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống SXH
Diệt lăng quăng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống SXH

Cụ thể, tuần qua, TPHCM ghi nhận 2.790 ca SXH, giảm 15% so với trung bình 4 tuần trước, không ghi nhận quận huyện có số ca tăng ở mức báo nguy/báo động so với trung bình 4 tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 46.044 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca SXH nặng là 869 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 34 là 1,9%, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến tuần 34, TPHCM ghi nhận 12.570 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Trong tuần qua, TPHCM ghi nhận thêm 422 ca bệnh TCM, giảm 22% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh giảm ở cả các trường hợp khám ngoại trú và các trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Không có quận huyện tăng ở mức báo nguy hoặc báo động.

Trong tuần 34, toàn TPHCM ghi nhận 182 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 98 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP Thủ Đức; giảm 17 ổ dịch mới so với tuần trước. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 369 ổ dịch và có 4 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Có tổng cộng 468 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 181 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Trong tuần qua, toàn TPHCM không ghi nhận ổ dịch TCM mới. Số ổ dịch tích lũy đến tuần 34 năm 2022 là 66 ổ dịch.

Theo HCDC, muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống và muỗi truyền bệnh đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xe…).

Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng. Do đó, để phòng bệnh thì cần lưu ý thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước. Khi thay nước, cần chà rửa kỹ thành vật chứa và thực hiện định kỳ mỗi 5 - 7 ngày 1 lần.

Từ đầu tháng 7, Sở Y tế TPHCM đã triển khai chức năng phản ánh điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh SXH trên ứng dụng (app) Y tế trực tuyến. Khi phát hiện những hộ gia đình, khu vực, cơ quan, đơn vị để đọng nước có thể gây phát sinh, lăng quăng muỗi truyền bệnh SXH, người dân nhanh chóng phản ánh lên ứng dụng để chính quyền địa phương biết và xử lý theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục