TPHCM đầu tư 13 cống kiểm soát triều: Xây cống nào trước?

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng của Chính phủ ký tháng 10-2008 cho vùng đất rộng 209.500 ha ở TPHCM và các vùng phụ cận là phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và phát triển đô thị thành phố hiện nay và sau này.

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng của Chính phủ ký tháng 10-2008 cho vùng đất rộng 209.500 ha ở TPHCM và các vùng phụ cận là phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và phát triển đô thị thành phố hiện nay và sau này.

Theo quy hoạch trên thì ngoài các dự án chống ngập, giải quyết vệ sinh môi trường, xây dựng đê bao để ngăn lũ do mưa và triều cường ngày càng dâng cao, TPHCM còn xây dựng 13 cống kiểm soát triều để chủ động điều tiết con nước ở các kênh rạch khi xảy ra mưa to, triều cường dâng cao nhằm chống ngập cho nhiều vùng đất trũng và thấp so với mực nước sông rạch.

Trung tâm điều hành chống ngập nước thành phố là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng 9 cống, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN- PTNT) thành phố đầu tư 1 cống, 3 cống còn lại do Bộ NN-PTNT đầu tư.

Vấn đề đặt ra là xây dựng cống nào trước để phát huy ngay hiệu quả chống ngập cho khu vực bị ngập thường xuyên do triều cường và mưa. Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố đã cho khởi công xây dựng cống kiểm soát triều kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tháng 7-2011 và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất một bên cửa cống ở phía Bình Thạnh, nơi thường bị ngập nước và đến tháng 9-2012 dự án hoàn thành sẽ chống ngập toàn diện cho một khu vực của 7 quận dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Cống kiểm soát triều kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đầu tư trước với kinh phí trên 290 tỷ đồng giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực rộng 33,2 km2 với hơn 1 triệu dân là kịp thời, còn 8 cống kiểm soát triều dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, đó là cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Sông Kinh, Thủ Bộ... thoát ra sông Nhà Bè và sông Sài Gòn với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng mà chỉ giải quyết ngập cho vùng đất rộng 33km² với 1,8 triệu dân.

Do vậy, nên chăng triển khai xây dựng sau cống Vàm Thuật do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình làm chủ dự án. Cống Vàm Thuật và cống Rạch Nước Lên là 2 hạng mục bổ sung cho dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đang sắp hoàn thành giai đoạn 1 rất cần có thêm hai cửa xả này để tăng cường công tác chủ động điều tiết nước ở 2 đầu kênh Tham Lương và Rạch Nước Lên. Vốn đầu tư cống Vàm Thuật là 360 tỷ đồng và cống Rạch Nước Lên 308 tỷ đồng, như vậy tổng mức đầu tư 2 cống này chỉ có 668 tỷ đồng mà được triển khai đầu tư trước sẽ có tác dụng chống ngập, ngăn lũ, giải quyết vệ sinh môi trường cho vùng đất rộng tới 149km2, với 1,6 triệu dân là việc cần phải xúc tiến làm ngay. Việc này cũng hợp lý trong điều kiện vốn ngân sách hạn hẹp mà không chỉ có thế, công trình còn đồng bộ với giai đoạn 1 dự án cải thiện môi trường, chống ngập nước Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2 của quá trình thi công.

Bộ NN-PTNT cũng có văn bản đề nghị xây dựng 2 cống điều tiết nước Vàm Thuật và Rạch Nước Lên ở 2 đầu kênh Tham Lương và Rạch Nước Lên trong năm 2011. Vì thế với sự phân công chịu trách nhiệm và quản lý đầu tư 13 cống kiểm soát triều theo quy hoạch thủy lợi chống ngập của Chính phủ, TPHCM nên sớm phê duyệt thực hiện trước 2 cống Vàm Thuật trong 13 cống trên địa bàn đô thị và cả cống Rạch Nước Lên để kịp tiến độ đầu tư, sau đó triển khai tiếp xây dựng các cống còn lại.

NGỌC XUÂN

Tin cùng chuyên mục