Với việc hình thành điểm đến Làng họa sĩ (quận 2) từ hơn 1 năm trước, TPHCM đã vận hành sản phẩm du lịch đường sông (DLĐS). Và với việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch, điểm đến hấp dẫn hiện nay, DLĐS tại TPHCM đang hy vọng có đột phá mới.
Thêm sản phẩm mới
Với lợi thế là nằm bên sông, sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ, TPHCM đã xác định phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và DLĐS là sản phẩm được thúc đẩy đầu tư, xây dựng. Đây là chủ trương và tâm huyết của những người làm du lịch TPHCM. Thế nhưng, phải mất một khoảng thời gian dài, DLĐS mới định hình. Ngay cả khi xây dựng, đưa vào khai thác điểm dừng chân ở Làng họa sĩ (quận 2), sản phẩm này vẫn chưa thể làm yên tâm những người làm du lịch.
Nhưng kết quả chuyến khảo sát, làm việc mới đây của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tại Cần Giờ cho thấy, DLĐS có hướng tích cực và hiệu quả hơn khi tuyến du lịch khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ mới thí điểm đưa vào khai thác trong năm nay đã thành công, thu hút khá đông khách tàu biển quốc tế tham gia; cùng với đó các dự án phát triển mô hình nuôi chim yến kết hợp phát triển du lịch ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ… thật sự mang lại niềm tin chắc chắn hơn cho DLĐS tại TPHCM.
Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, đơn vị đi đầu trong việc đưa khách tàu biển khám phá rừng Cần Giờ bằng tuyến đường sông, cho biết trong 5 tháng qua doanh nghiệp (DN) đã thử nghiệm đưa vào khai thác 2 tuyến du lịch tại khu vực phân khu 2 (gần sông Thị Vải): du khách chèo thuyền kayak vào rừng sâu, đi bộ thăm ruộng muối, leo núi Giồng Chùa (10m) và tuyến chở khách ngồi trên thuyền nghe thuyết minh. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là tuyến chở khách tham quan nghe thuyết minh, do hướng dẫn viên chưa có kiến thức phong phú về hệ động thực vật của rừng ngập mặn, người lái thuyền chưa biết dừng điểm thích hợp cho khách quan sát nên phải đến lần thứ 4 mới khắc phục được.
Hiện nay, có thể nói 2 tuyến này khá thành công. DN đã đưa khoảng 1.000 du khách tàu biển, chủ yếu là khách Đức, Mỹ khám phá tuyến này.
Theo ông Phan Xuân Anh, Cần Giờ cần đầu tư nhiều hơn để phát triển du lịch. Ngoài đối tượng khách đại chúng, Cần Giờ cần nhắm phục vụ đối tượng cao cấp hơn. Đi kèm với đó đòi hỏi dịch vụ, con người, nhân lực phải cao hơn. Du khách nước ngoài rất thích thú khi khám phá Cần Giờ nhưng không có cái gì để cho họ mua. Vì vậy, du lịch Cần Giờ cần đầu tư thêm sản phẩm quà tặng, thủ công mỹ nghệ.
Xây dựng được điểm dừng chân trên bờ là một yếu tố quan trọng, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho hành trình DLĐS. Với mô hình nuôi chim yến đang phát triển mạnh tại Cần Giờ, đây sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn của DLĐS và du lịch TPHCM.
Công ty CP Đóng tàu Phi Long (xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ) đã có kế hoạch phát triển khu nuôi chim yến lên 50 ha, kết hợp xây dựng Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam tại đây để khai thác du lịch. Ngoài ra, với 2 tàu chở khách (dạng du thuyền) loại 400 chỗ và 200 chỗ, DN đang đề xuất xây dựng cầu cảng, mở tuyến vận tải chở khách du lịch tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu…
Vẫn còn vướng
Ông Lê Văn Sinh, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết do đặc thù rừng phòng hộ, vướng hành lang pháp lý nên việc khai thác diện tích mặt nước phục vụ du lịch ở đây khá hạn chế. Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ để có thể phát triển du lịch Cần Giờ, trong đó có DLĐS.
Một trong những việc cần đầu tư đầu tiên đó là quy hoạch, xây dựng cầu tàu tại các điểm dừng chân. TP nghiên cứu chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế sử dụng một số vị trí sông rạch trong ranh giới rừng phòng hộ để có thể khai thác một số dịch vụ như nhà hàng nổi, lướt ván, chèo thuyền… Cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định để xây dựng hạ tầng trong các khu quy hoạch phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ, với diện tích chuyển đổi khoảng 2%-3% tổng diện tích khu du lịch.
TP kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh nội dung cấm xây dựng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt, vì theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM đến năm 2025, khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu dự trữ sinh quyển chỉ khoảng 6.134ha chứ không phải 33.000ha.
Trong giai đoạn 2012-2015, TP sẽ tập trung quy hoạch, phát triển, đặc biệt sẽ đầu tư xây dựng hệ thống bến tàu, cầu cảng. Đường sông không chỉ phục vụ du lịch mà còn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn TP. Nhất định trong năm 2012-2013, các đơn vị phải xây dựng được một số cầu tàu để phục vụ du lịch.
Trên cơ sở đó, TP khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư để phát triển kinh tế du lịch. Mô hình phát triển nuôi chim yến tại một số xã ở huyện Cần Giờ hiện nay khá tốt, UBND huyện Cần Giờ đẩy nhanh quy hoạch, tiến độ giải quyết để các DN sớm đầu tư. Vấn đề đường sông khá phức tạp vì liên quan đến nhiều đơn vị quản lý của trung ương, địa phương nên các sở, ngành cần có phối hợp chặt chẽ để có thủ tục xây dựng nhanh chóng hơn, nhất là vấn đề xây dựng cầu cảng.
Đến cuối tháng 5-2012, Sở VHTT-DL TPHCM cần có báo cáo với TP về định hình những tuyến, điểm DLĐS để có bước tháo gỡ, nhanh chóng đưa vào khai thác hiệu quả.
Mỹ Hạnh