TPHCM đột phá vì cả nước

Quốc hội đã quyết nghị đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% trong năm 2024. Đây là mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Nhiều định chế quốc tế gần đây đánh giá kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu chưa có dấu hiệu kết thúc, và tiếp tục đưa ra dự báo trái chiều về kinh tế toàn cầu.

Kỳ vọng vào các cực tăng trưởng chính

Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024 thực sự là thách thức, nhưng có cơ sở và có tính khả thi, nếu có sự nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương. TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế, được kỳ vọng sẽ là một trong những cực tăng trưởng quan trọng để cùng cả nước đạt được mục tiêu này.

ac90ccacec455152e43d76718029e644-831.jpg
TS Lê Duy Bình

Với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2023, kinh tế TPHCM chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước. Như vậy, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng GRDP tăng thêm của TP, sẽ đóng góp 0,15% tăng trưởng tăng thêm GDP của cả nước. Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước 469.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước, vẫn đảm bảo mục tiêu về thu và có tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của cả nước. Điều này cho thấy kỳ vọng của cả nước vào các động lực tăng trưởng lớn như TPHCM và các tỉnh, TP khác vốn là các cực tăng trưởng quan trọng.

Tiềm năng và thế mạnh của TPHCM rất lớn để có thể cùng cả nước vượt qua các cơn gió nghịch, vượt qua thách thức, đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của TP và của cả nước. Năm 2024, những động lực tăng trưởng quan trọng của TPHCM được kỳ vọng sẽ đến từ tiêu dùng trong nước, sự phục hồi của đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu. Tiêu dùng nội địa thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2023 của TPHCM tiếp tục tăng trưởng, và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, đặc biệt với sự hỗ trợ của sự phục hồi ngành du lịch, lưu trú. Xu thế phục hồi của đầu tư tư nhân thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Vốn FDI thực hiện được dự báo sẽ tiếp tục được đẩy nhanh. Sự phục hồi của một số nền kinh tế và khu vực kinh tế lớn trên thế giới cũng sẽ có tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu, và kế đó là tới các lĩnh vực sản xuất, cung ứng dịch vụ của TP.

Trợ lực mạnh mẽ từ Nghị quyết 98

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nên sự chuyển dịch của nền kinh tế TPHCM sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc định hình tương lai kinh tế của cả nước trong những thập niên tới. Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một nước thu nhập cao, công nghiệp hóa vào năm 2045 với một nền kinh tế dựa trên tri thức, với mô hình tăng trưởng dựa trên các yếu tố đổi mới, sáng tạo và năng suất hơn là dựa trên các nhân tố đầu vào chính như tài nguyên, lao động hay vốn như hiện nay. Mô hình tăng trưởng của TPHCM cũng cần được dịch chuyển để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế của các nước.

shutterstock-1271000329-7425.jpg

Ngoài các biện pháp nhằm quay trở lại tăng trưởng cao trong năm 2024 và những năm tới, TPHCM cần hướng tới các mục tiêu tham vọng hơn như trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á và trong khu vực. Để làm điều đó cần có những cách làm mới, cách tiếp cận mới để TPHCM có thể thực hiện các mô hình hay cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách đặc thù, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, tài chính, dịch vụ để làm nền tảng cho việc hình thành các ngành nghề mới.

Không chỉ hướng tới các mục tiêu của năm 2024, các nỗ lực về phát triển của TPHCM sẽ hướng tới các mục tiêu dài hạn hơn để mở ra các không gian tăng trưởng mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xác lập vị thế của một TP toàn cầu, nằm trong vị thế dẫn đầu trong một số lĩnh vực như đổi mới, sáng tạo, tài chính, dịch vụ với mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Nghị quyết 98/2023/QH15 được ban hành với nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội và được kỳ vọng tạo điều kiện hơn nữa cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Đây là cơ hội quan trọng để TPHCM đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Nhưng quan trọng hơn, TP cần sử dụng được cơ chế đặc thù này để đẩy nhanh việc hình thành các nền móng, cơ sở quan trọng cho các mục tiêu dài hạn, tầm nhìn về một đô thị tầm cỡ khu vực và toàn cầu về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, công nghệ, tài chính, dịch vụ.

Cả nước cũng đang dõi theo TPHCM trong việc tận dụng cơ hội này, và việc TPHCM sẽ áp dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 ra sao trong những năm tới. Thành công của TPHCM trong việc thực hiện này sẽ không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội cho chính TP mà còn cho cả nước. Các cơ chế đặc thù, vượt trội được quy định trong Nghị quyết 98 nếu được TPHCM thực hiện thành công, sẽ là tiền đề để được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện và có thể được áp dụng trên nhiều TP trực thuộc Trung ương và các tỉnh khác.

Cả nước ngóng chờ nhiều tin vui từ TPHCM.

Với các lợi thế và tiềm năng của mình, TPHCM không chỉ là điểm đến yêu thích của các tập đoàn công nghệ lớn, nhỏ mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ bán dẫn, vi mạch và các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Tin cùng chuyên mục