Chiều 17-11, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng về kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Bính Thân 2016 và công tác kiểm tra, giám sát thị trường tết trên địa bàn TPHCM.
Sản lượng tăng 15%-20%
Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết, đến nay hầu hết các doanh nghiệp (DN) TPHCM đã hoàn tất kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng thị trường tết với nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, lượng hàng đủ khả năng chi phối và dẫn dắt thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, an sinh xã hội.
Chọn mua hàng tại một Cửa hàng bình ổn giá tại quận 12 Ảnh: Thành Tâm
Theo kế hoạch, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị tăng 15% - 20% so với mùa tết năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Bính Thân 2016 là 16.208,8 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng (2,9%) so với nguồn vốn chuẩn bị của Tết Ất Mùi 2015 (15.746,8 tỷ đồng). Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường đạt gần 7.000 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Bính Thân 2016, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Lượng hoa tươi cung ứng cho thị trường tết trên địa bàn TP dự kiến tăng khoảng 5% - 10%, tập trung chủ yếu vào các loại cao cấp, trong đó 4 chợ chuyên doanh hoa lớn là chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức chiếm khoảng 80% thị phần. Hoa tết năm nay có nhiều chủng loại phong phú, giá bán dự báo tương đương giá Tết Ất Mùi 2015.
Về các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng 30% - 50% so với tháng thường. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập, sản lượng tăng 20% - 30%.
Chế biến chả giò tại Công ty Vissan - Một mặt hàng tiêu thụ nhiều vào dịp tết Ảnh: Đức trí
Hiện Sở Công thương đã làm việc với các DN, nhà phân phối về việc phối hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm. Trong tháng cận tết, các DN đã đăng ký và sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Tổng giá trị khuyến mãi khoảng 800 tỷ đồng. Riêng DN bình ổn thị trường cùng các hệ thống phân phối xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng bình ổn các ngày cận tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm 1.000-2.000 đồng/chục 2 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5%-10% 1 tháng trước tết; giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-7% vào 2 tuần trước tết; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15%-20%. Ngoài ra, các hệ thống phân phối lớn của TP còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng.
Bám sát khả năng cung cầu, giá cả hàng hóa
Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng tết, nhiều sở, ngành cho rằng, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm tết nhưng các DN vẫn chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ và cam kết đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch chuẩn bị hàng tết của Sở Công thương, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo, bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, các sở, ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao, làm ảnh hưởng đến DN.
Việc chuẩn bị hàng tết không dừng ở các DN nhà nước, DN bình ổn thị trường mà cần chú ý thêm khả năng cung cấp hàng hóa ở khu vực 240 chợ bán lẻ và hàng trăm ngàn cửa hàng trên địa bàn TP. Để làm được việc này, đồng chí Lê Hoàng Quân yêu cầu Sở Công thương phối hợp với 24 phòng kinh tế và UBND các quận, huyện để nắm bắt lại khả năng cung ứng và kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa nhằm góp sức bình ổn thị trường, từ đó hoàn chỉnh kế hoạch.
Trong công tác chống hàng gian, hàng giả, đặc biệt tại 240 chợ truyền thống, các sở, ngành phối hợp với hội phụ nữ và ban quản lý chợ hình thành kế hoạch hướng dẫn, vận động tiểu thương và người tiêu dùng không tham gia mua, bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Phối hợp với các tỉnh, thành để tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn hàng thực hiện chuỗi liên kết truy xuất nguồn gốc cần được chú trọng để nâng tầm chất lượng, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa. Bằng nhiều cách, TPHCM phải từng bước xây dựng được nếp kinh doanh văn minh tại các chợ, nói không với hàng gian, hàng giả và kém chất lượng.
“Trong giai đoạn hiện nay, đời sống kinh tế, văn hóa ngày càng nâng lên nên từ việc chuẩn bị hàng hóa cho người dân “ăn tết”, nay phải chuyển sang “ăn và chơi tết” trên tinh thần vui tươi, đầm ấm, nhưng phải tiết kiệm. Để làm được việc này, ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá ổn định thì phải tăng cường giám sát cung cầu hàng hóa, kiểm soát hàng gian, hàng giả và quản lý giám sát giá, đồng thời có biện pháp xử lý thật nặng đối với các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường tết”, đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho hay, ngay từ giữa tháng 9, NHNN đã làm việc với các ngân hàng NHTM và DN để đảm bảo nguồn tiền cho sản xuất, kinh doanh mùa tết 2016. Theo đó, tổng vốn dành cho các DN chuẩn bị hàng tết vào khoảng 45.000 tỷ đồng. Việc đưa vốn đến các địa điểm đã được xác định và giao hạn mức tín dụng cho từng đơn vị. Các chính sách về tỷ giá và lãi suất cũng đã được triển khai rất cụ thể để DN yên tâm đầu tư, phát triển nguồn hàng tết. Mặt khác, NHNN cũng đã chuẩn bị đủ lượng tiền mặt cần thiết, kể cả cho việc chi lương, ngân sách và hoạt động xã hội cũng như đảm bảo nhu cầu đổi tiền mới cho người dân. Để tạo sự thông suốt, chính xác và liên tục cho các máy ATM, đặc biệt là ở KCX-KCN, NHNN cũng yêu cầu các đơn vị chi lương, thưởng bằng tiền mặt để tránh tình trạng quá tải cho các máy ATM. |
THÚY HẢI