Chiều 1-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành chức năng về công tác chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Theo dự báo, hàng hóa năm nay sẽ rất dồi dào, phong phú, giá bán sẽ tương đối ổn định.
Hàng bình ổn chi phối 30% - 60% nhu cầu thị trường
Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, từ tháng 7-2013, tất cả các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm đã xây dựng kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị cho dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Theo tính toán, khả năng cung ứng hàng hóa của các DN tăng bình quân 114% so với kế hoạch TP giao, trong đó lượng hàng trong chương trình tăng bình quân 69,4% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61,5%), đường (75,4%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thực phẩm chế biến (64,7%), thịt gia súc (32,2%),…
Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 2.184,5 tỷ đồng (40,5%) so với tết năm ngoái; trong đó, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng so với Tết Quý Tỵ 2013. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết (từ 1-1-2014 đến 31-1-2014), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 3.790,9 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 2.450,5 tỷ đồng.
Sở Công thương đã làm việc với các DN phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Đến nay, các đơn vị đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Tại các hệ thống Maximark, Citimart, Giant, BigC... đều có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2 - 3 lần tháng thường.
Căn cứ vào khả năng cung - cầu thị trường, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho thị trường tết tại TPHCM được xác định như sau: từ các DN tham gia chương trình bình ổn chiếm 30% - 40% thị phần; từ các chợ đầu mối chiếm 40% - 50% và nguồn hàng của các công ty, DN chiếm 10% - 20% thị phần.
Giám sát chặt khả năng cung - cầu, giá cả
Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng tết, nhiều sở, ngành cho rằng, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm tết nhưng các DN vẫn chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ và cam kết đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Về giá cả, các DN cam kết sẽ giữ giá ổn định trong tháng trước, trong và sau tết. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đang yêu cầu các DN đăng ký cụ thể chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng thiết yếu vào những ngày cận tết để thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hỗ trợ người dân TP có thể mua sắm phục vụ tết. Ở một mặt hàng có sức mua tăng cao vào dịp giáp tết như trứng gia cầm, thịt gia súc, thịt gia cầm, Sở cũng yêu cầu các hệ thống phân phối, các chợ truyền thống rà soát loại khả năng cung cầu, có đăng ký số lượng cụ thể với các DN cung ứng trong chương trình.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, còn 3 tháng nữa là đến tết, bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, các sở ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, TP đã định hình được mạng lưới phân phối đa dạng và rộng khắp, ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, phiên chợ nông thôn, bán lưu động, còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể… nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự kết nối tốt hơn giữa DN với người tiêu dùng. Nếu chúng ta có hàng hóa nhưng tổ chức mạng lưới bán hàng không tốt, qua quá nhiều tầng nấc trung gian sẽ làm đội giá bán. Do vậy, công tác phân phối hàng hóa năm nay phải được chú trọng đặc biệt. Để làm được, cần có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện, với ban quản lý các chợ trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa, kiểm soát hàng gian, hàng giả và quản lý giám sát giá, đặc biệt là giá dịch vụ thường đồng loạt tăng vào dịp tết. Trong trường hợp nơi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá thì người đứng đầu của địa bàn đó chịu trách nhiệm trước UBND TP. Đối với những địa điểm phát hiện tự ý nâng giá dịch vụ tăng cao trong dịp tết, các sở, ngành phải nắm sát thực tế để tiến hành truy thu thuế hoặc phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm.
| |
THÚY HẢI