Trong không khí tưng bừng chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, người dân TPHCM đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm hòa cùng niềm vui chung của cả nước. Trong đó, cuộc Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” do Thành ủy TPHCM phối hợp với Bộ VH-TT và DL cùng ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức đã nhận được sự chú ý của đông đảo người dân. Sách dày hơn 1.300 trang bao gồm 113 bài viết cùng các bài phát biểu khai mạc, bế mạc, tổng kết… của lãnh đạo TP và ban tổ chức.
Thăng Long là gốc – Gia Định thành là ngọn
Cuộc hội thảo đã tập hợp được 150 báo cáo khoa học đến từ rất nhiều thành phần xã hội như các vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhân sĩ trí thức, tôn giáo, các nhà khoa học… Vì thời gian có hạn nên nhiều báo cáo đã không có điều kiện thể hiện tại hội thảo cũng như có nhiều người dân quan tâm đã không thể dự cuộc hội thảo. Chính vì thế, sau khi hội thảo diễn ra, ban tổ chức đã tuyển chọn các tham luận tham gia để in thành tập sách “Thành phố Hồ Chí Minh hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.
Khác với tại hội thảo, khi được in thành sách, các báo cáo được sắp xếp lại theo từng phần với chủ đề rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc. Có ba chủ đề lớn. Đầu tiên là chủ đề khẳng định “Giá trị lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội”. Các đại biểu đã đưa ra nhiều cứ liệu lịch sử để minh chứng vai trò và tầm ảnh hưởng của Thăng Long – Hà Nội trong sự phát triển đất nước.
Đó có thể là những khẳng định về sự đúng đắn trong quyết định dời đô của Lý Công Uẩn qua bài “Định đô Thăng Long: Tư duy mới về phòng thủ và trách nhiệm lớn của Đức vua Lý Công Uẩn với quốc gia” của GS.NGND Hoàng Như Mai. Đó cũng có thể là tái tạo hình ảnh xưa của vùng đất Thăng Long qua hiện vật khảo cổ với bài “Những dấu tích xưa nhất về con người trên mảnh đất Hà Nội nay” của nhà khảo cổ Phạm Đức Mạnh… Cũng có những bài viết đi riêng vào các nét văn hóa đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội như “Gốm Thăng Long-Đỉnh cao của gốm Việt” của PGS.TS Đặng Văn Thắng hay “Hà Nội có còn là thành phố sông, hồ?” của GS.TS Ngô Đức Thịnh.
Phần thứ hai là các báo cáo khoa học minh chức sự gắn kết của hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM. Với chủ đề “Từ Thăng Long – Hà Nội đến Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh: Sự lan tỏa và giao lưu”, phần này chứa đựng nhiều bài viết có giá trị khoa học phản ánh đậm nét sự liên kết gắn liền của hai TP như bài viết “Thăng Long là gốc, Gia Định thành là ngọn” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hay “Thăng Long – Hà Nội trong cái nhìn của người Nam bộ” của nhà nghiên cứu Võ Kim Anh. Không chỉ gắn kết về văn hóa, các nhà nghiên cứu còn minh chứng sự gắn kết qua nhiều hình thức khác như kinh tế với bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Lợi “Từ 36 phố phường Thăng Long – Hà Nội đến các phố chuyên doanh Sài Gòn – TPHCM”, “Dấu ấn văn hóa Thăng Long – Hà Nội ở Nam bộ” của ThS Trần Hạnh Minh Phương…
Phần thứ ba cũng được xem là phần chủ đạo của cuốn sách với tên gọi được dùng làm tên sách: “TPHCM hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Các bài viết trong phần này rất đa dạng, như “Lịch sử về sự gắn bó như cây một gốc như con một nhà giữa Hà Nội và TPHCM” của đồng chí Trần Trọng Tân, hay sự hoài niệm của người con đất Bắc đang sống ở phương Nam qua “Làng cổ Hà Nội – Tuổi thơ tôi” của ThS Đinh Thị Hương Liên. Thậm chí có cả sự nghiên cứu khoa học về nỗi nhớ của người con phương Nam với mảnh đất trái tim Tổ quốc qua bài viết “Nỗi nhớ Thăng Long – Hà Nội trong tiềm thức người phương Nam” của PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên.
Thành phố trẻ hướng về kinh đô xưa – thủ đô nay
“Truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, nhân dân TPHCM chính là bắt nguồn từ hào khí Thăng Long”, là nhận xét của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trong lời phát biểu chào mừng hội thảo. Và đó cũng là tư tưởng xuyên suốt 150 bản báo cáo khoa học được gửi tới hội thảo. Chỉ là mỗi người với kiến thức riêng đã chứng minh sự gắn kết của Thăng Long – Hà Nội với mảnh đất Gia Định, Sài Gòn xưa và TPHCM nay với những cách khác nhau.
Mừng đại lễ, TPHCM dâng tặng thủ đô nhiều món quà và trong số đó, tác phẩm “Thành phố Hồ Chí Minh hướng về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” là món quà tinh thần đặc biệt, kết tinh tâm huyết, tình yêu, lòng cảm phục và cả nỗi nhớ nhung của những người con phương Nam đối với mảnh đất thiêng liêng nhất của đất nước. Và trong những ngày đại lễ, đại diện nhân dân TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải đã trao tặng món quà tác phẩm khoa học này đến Đảng bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội như một sự thể hiện tấm lòng “cây một cội, con một nhà” của người dân TP với người dân Hà Nội.
TƯỜNG VY