TPHCM khắc phục tình trạng “cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi”

Bàn về trách nhiệm của cán bộ, công chức, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề nghị: “Phải kết nối nhanh hơn, làm thế nào để tiếng nói của người dân phản hồi tới lãnh đạo nhiều hơn, khắc phục tình trạng cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi. Vì thế, thái độ phục vụ của cán bộ phải thân thiện, lắng nghe; có khuyết điểm thì xin lỗi người dân và khắc phục, chứ không xin lỗi rồi để đó”.  

Dù sinh ra và lớn lên ở TPHCM, hay chọn TPHCM làm nơi sinh sống, lập nghiệp thì mỗi người dân đều đang góp phần xây dựng TPHCM phát triển, vì chính chất lượng cuộc sống của mình. Vậy công dân TPHCM có gì để tự hào về TPHCM và trách nhiệm với TPHCM là gì? Điều này được các đại biểu bàn luận trong chương trình Lắng nghe và trao đổi, có chủ đề “Công dân TPHCM – tự hào và trách nhiệm”, do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào sáng 2-12.

Hai nội dung trọng tâm được trao đổi là bảo vệ môi trường và cải cách hành chính (CCHC). Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM điều hành chương trình.

Nhiều vấn đề không cần nhiều tiền, chỉ cần trách nhiệm

Có hơn 40 năm sống ở TPHCM, ông Hán Văn Bằng (ngụ quận 5) cho rằng, niềm tự hào của ông với TPHCM là TP ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực. Bà Châu Minh Nguyệt có 35 năm sống ở quận 1 chia sẻ, bà tự hào về TP luôn có nhiều đổi mới. “TP đổi mới rất nhiều, con người sống hài hòa”, ông Lê Hải Triều (ngụ quận Tân Bình), bổ sung. Là công dân TPHCM, theo nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, có quyền tự hào bởi: TPHCM có truyền thống năng động sáng tạo, trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế đất nước; TPHCM có truyền thống nhân ái, nghĩa tình, là nơi luôn có sức hút, sức lan tỏa. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến minh họa niềm tự hào của người dân TP bằng con số cụ thể: tăng trưởng của TP cao gấp 1,5 lần so với cả nước; thu ngân sách năm 2018 khoảng 380.000 tỷ đồng, tức mỗi ngày hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là sự đóng góp và là thành tựu chung của TP, của từng người dân TP với TP và với cả nước.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, đi đôi với thành tựu đạt được, với niềm tự hào, thì TP cũng còn nhiều khó khăn, trăn trở, bất cập phải đương đầu hàng ngày: kẹt xe, ngập nước, rác thải, CCHC… Những vấn đề này phần nào cản trở sự phát triển của TP, làm cho chất lượng cuộc sống của người dân chưa được như mong muốn. Từ đó, đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân TP. Về CCHC, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực chỉ ra các hạn chế để TP nhận diện và khắc phục. Cụ thể, việc công khai, minh bạch các thông tin, hoạt động của chính quyền với người dân chưa đạt yêu cầu, nên nhiều vấn đề người dân chưa đồng thuận. TP còn thiếu các phương tiện để nhân dân tiếp xúc trực tiếp với chính quyền, với cán bộ lãnh đạo mà không phải đợi đến đợt tiếp dân định kỳ - vốn chỉ tiếp được một số người, chứ không tiếp xúc được hàng triệu người. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra, kiểm soát nội bộ của chính quyền còn nhiều sơ hở trong suốt quá trình dài, dẫn tới tình trạng một số người không tốt, không giỏi, không đủ phẩm chất vẫn làm công chức, vẫn tồn tại trong bộ máy. Đến nay, vẫn thiếu cơ chế giám sát của nhân dân với hoạt động của chính quyền.

TPHCM khắc phục tình trạng “cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi” ảnh 1 Trách nhiệm của cán bộ, công chức là phục vụ nhân dân . Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh đánh giá, vẫn còn một số cán bộ “vô cảm với dân”, người dân đến hỏi về thủ tục hành chính thì cán bộ lại “mặt lạnh như tiền”. Khi không trả kết quả cho dân đúng hẹn, thì thiếu sự xin lỗi người dân, hoặc xin lỗi cho có nhưng không rõ ngày tháng nào giải quyết. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, có những vấn đề cần nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để khắc phục, cải thiện; song, cũng có những vấn đề mà nếu mỗi người thật lòng yêu TP, có trách nhiệm với TP, thì hoàn toàn có thể xử lý được ngay. “Nếu mỗi một người dân có ý thức để rác đúng nơi quy định, không vứt rác xuống kênh rạch, cống rãnh thì TP đẹp hơn, giảm ngập nước. Mỗi cán bộ, công chức nếu quý trọng nhân dân một cách thực lòng, có tinh thần phục vụ hết mình, thì việc CCHC không phải là khó, không phải cần quá nhiều thời gian là đã tạo ra sự chuyển biến”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định.

Khắc phục tình trạng “cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi”

Bàn về trách nhiệm của cán bộ, công chức, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề nghị: “Phải kết nối nhanh hơn, làm thế nào để tiếng nói của người dân phản hồi tới lãnh đạo nhiều hơn, khắc phục tình trạng cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi. Vì thế, thái độ phục vụ của cán bộ phải thân thiện, lắng nghe; có khuyết điểm thì xin lỗi người dân và khắc phục, chứ không xin lỗi rồi để đó”.  

“Sáng 2-12, Báo SGGP đăng bài ấn tượng “Nhiều trường hợp trễ hẹn nhưng không xin lỗi dân”, nêu tình trạng một số đơn vị trễ hẹn khi giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, đặc biệt là nơi đăng ký đất đai. Tôi đã chỉ đạo anh Hùng (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Công Hùng – PV) kiểm ra, xử lý ngay để làm gương cho các đơn vị khác. Đây là sự cầu thị của TPHCM với người dân. Cán bộ, công chức TP cam kết phục vụ người dân, nếu không làm được thì phải xử lý”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay, mỗi năm, TP phải giải quyết 14 triệu hồ sơ thủ tục hành chính. Trung bình, mỗi ngày phải giải quyết 45.000 hồ sơ, cao hơn lượng hồ sơ của 1 tỉnh/năm. Các giải pháp nâng cao chất lượng CCHC, theo ông  Trần Vĩnh Tuyến, năm 2019, TP tiếp tục rà soát trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Người đứng đầu đơn vị phải tự giác, tăng cường tiếp dân, ít nhất 1-2 lần/tháng; còn nếu vẫn ngán ngại tiếp dân thì không xứng đáng là người đứng đầu nữa. Đồng thời, kiểm soát bộ máy, kiểm soát cấp dưới bằng cơ chế xin lỗi dân, trường hợp xin lỗi mà không khắc phục thì bị xử lý ngay. Để minh bạch, giảm phiền hà, TP tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến mong mỏi người dân, đặc biệt là doanh nghiệp, cần chủ động làm quen với thủ tục hành chính qua mạng, không nên giữ tâm trạng “cứ phải gặp cán bộ mới chắc ăn”. Đề cập vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, công chức tiếp dân, hành động, ứng xử, giải quyết công việc thế nào đều là bộ mặt của chính quyền TPHCM. Một tờ giấy trắng, chỉ cần 1-2 điểm mực đen là đã làm đen tờ giấy. Vì thế, ai đã chấp nhận làm công chức, thì phải chấp nhận tinh thần phục vụ. Gần 20.000 công chức, viên chức ở TPHCM hiểu vấn đề này thì đã góp phần rất lớn, chia sẻ khó khăn, thử thách trong việc CCHC với TP”

Về vấn đề bảo vệ môi trường, ông Phạm Chánh Trực đề nghị TP phải giải quyết điểm cuối cùng: Có các nhà máy xử lý rác thải, không chôn lấp rác như hiện nay. TP cũng phải có chính sách để người dân thấy lợi ích khi phân loại rác: thưởng cho người làm tốt và phạt nặng người vi phạm xả rác, không phân loại rác; cần tính đến việc “mua” rác sau khi người dân đã phân loại tại nhà. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra các vấn đề: Làm sao cho đồng bộ, từ phân loại rác đến thu gom và xử lý rác thải sao cho đảm bảo vệ sinh môi trường…

TPHCM khắc phục tình trạng “cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi” ảnh 2 Người dân TPHCM có thể đóng góp cho TP bằng cách không vứt rác. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trả lời các vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, thời gian qua, TP hợp tác với bãi rác Đa Phước (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam- PV) và thất bại trong việc phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, rác chủ yếu được Đa Phước xử lý bằng cách chôn lấp do TP không phân loại rác được. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, giờ đây, TP quyết tâm phải làm nghiêm việc phân loại rác, xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh rạch, bỏ rác vào hố thoát nước… TP cũng hỗ trợ các đơn vị đầu tư các thiết bị chuyên dùng để phục vụ việc vận chuyển rác sau khi phân loại.

Tin cùng chuyên mục