Chiều 19-12, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã làm việc với sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN) về tình hình chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Đinh Dậu 2017; kế hoạch phòng, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và công tác quản lý giá cả thị trường trong dịp tết. Đây là buổi làm việc đầu tiên nằm trong chuỗi khảo sát thực tế nhằm phục vụ chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Tết Đinh Dậu 2017 - An toàn, tiết kiệm, hạnh phúc” diễn ra trong tháng 1-2017 sắp tới.
Chế biến giò chả phục vụ tết tại Vissan Ảnh: CAO THĂNG
Báo cáo tại buổi làm việc, các DN, chợ đầu mối của TPHCM, khẳng định, công tác phát triển nguồn cung cũng như tiến độ chuẩn bị, dự trữ nguồn hàng tết diễn ra đúng kế hoạch. Hiện thời tiết vẫn mưa nhiều, nhưng không đáng lo ngại vì các DN đều đã có phương án thích hợp để gieo trồng và phát triển tổng đàn nên nguồn cung hàng hóa tết rất dồi dào, phong phú. Các DN cam kết ổn định giữ giá trứng gia cầm 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, đồng thời khuyến mãi giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết. Như vậy thị trường tết năm nay sẽ không lo thiếu hàng, giá bán ổn định. Điều khiến các DN lo ngại nếu sức mua không tăng được như dự kiến của các sở, ngành và DN là 15% - 20%, hàng tết dễ bị dội chợ, rớt giá. Hiện tại các DN sản xuất, phân phối đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kế hoạch đẩy mạnh nguồn hàng ra thị trường, cung ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, lượng hàng hóa thiết yếu được TPHCM chuẩn bị tăng từ 15% - 20% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 25% - 45% so với kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Đinh Dậu 2017 là hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường (BOTT) là gần 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 35% - 52% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)...
Hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu tết cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính sau: Các DN tham gia Chương trình BOTT chiếm từ 30% - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần và các DN khác chiếm 10% - 20% thị phần.
Đối với các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập, sản lượng tăng từ 10% đến 20%.
Về công tác quản lý giá, đặc biệt là giá các mặt hàng BOTT từ đầu Chương trình BOTT năm 2016 đến nay, giá bán hầu hết các mặt hàng vẫn khá ổn định. Sở Tài chính mới chỉ thực hiện điều chỉnh giá nhóm hàng thịt gia súc 2 lần: 1 lần tăng và 1 lần giảm. Từ nay đến tết, sở sẽ tăng cường giám sát giá hàng hóa chung trên thị trường, nếu phát hiện các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Riêng đối với 9 nhóm mặt hàng bình ổn sẽ không thực hiện điều chỉnh giá bán kể từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 28-2-2017 nhằm ổn định thị trường, tạo sự dẫn dắt về giá hàng hóa chung trên thị trường.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu băn khoăn, bởi theo các DN và sở, ngành báo cáo thì hàng hóa tết sẽ không đáng lo. Nhưng làm thế nào để đưa hàng tết, đặc biệt là bình ổn đến tận tay người tiêu dùng? Để làm rõ vấn đề này, bà Trang cho hay, tính đến nay, chương trình BOTT đã phát triển được 10.304 điểm bán. Nhằm đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán, các DN BOTT dự kiến phát triển thêm khoảng 200 điểm bán. Đồng thời, tăng cường thực hiện bán hàng lưu động với khoảng 120 chuyến/tháng; riêng 2 tháng cao điểm trước tết thực hiện 307 chuyến. Với việc phát triển các điểm bán cố định cùng các chuyến bán hàng lưu động, đảm bảo hàng BOTT sẽ phủ kín đến các quận, huyện vùng ven, vùng sâu xa của thành phố. Theo đó, các DN phân phối cũng đã có kế hoạch tăng và kéo giãn thời gian mở cửa bán hàng tại các siêu thị; thường xuyên kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng bình ổn thị trường, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động theo danh sách; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, ATVSTP…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị hàng tết tại các sở, ngành và DN, nhất là việc Sở Công thương vừa chính thức triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, giúp người dân có thể chọn mua thịt heo đảm bảo ATVSTP. Mặc dù hàng hóa chuẩn bị rất dồi dào, phong phú, nhưng nếu chúng ta thiếu cảnh giác, ngay lập tức thị trường sẽ rơi vào tình trạng khan hàng, sốt giá nên cần có sự theo dõi và điều phối hàng hóa kịp thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân mua sắm theo đúng chủ trương an toàn và tiết kiệm.
| |
THÚY HẢI