TPHCM khuyến khích xây trường bằng vốn kích cầu: Chủ trương có nhưng khó tiếp cận

Rộng cửa ưu đãi
TPHCM khuyến khích xây trường bằng vốn kích cầu: Chủ trương có nhưng khó tiếp cận

Mặc dù UBND TPHCM đã đồng ý triển khai chương trình kích cầu đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ năm 2000, nhưng đến nay, số lượng hồ sơ được duyệt vay vốn chưa nhiều. Riêng đối với khối các trường ngoài công lập, vốn kích cầu vẫn là một khái niệm xa vời. Vì sao?

Nhờ có vốn kích cầu, Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM phát triển hơn về cơ sở vật chất.

Nhờ có vốn kích cầu, Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM phát triển hơn về cơ sở vật chất.

Rộng cửa ưu đãi

Tổng kết sau hơn 13 năm thực hiện chương trình vay vốn kích cầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ông Diệp Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết đã có 72/106 dự án xây dựng trường học trên địa bàn TP sử dụng vốn vay kích cầu với tổng nguồn vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Theo đó, ngân sách TP đảm bảo chi trả 100% lãi suất trong suốt thời gian bồi hoàn vốn, chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp có nhiệm vụ trả dần vốn gốc trong thời hạn 7 năm. Mức hỗ trợ vốn vay cho mỗi dự án không quá 100 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, TP hiện là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình vay vốn kích cầu. “Trong điều kiện ngân sách TP còn eo hẹp, xây trường từ vốn kích cầu là một trong những giải pháp nhằm kéo giảm sĩ số học sinh, tăng số lớp học 2 buổi/ngày, đồng thời giảm gánh nặng đầu tư giáo dục cho ngân sách nhà nước”, ông Lê Hoài Nam cho biết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của TP là hầu hết cá nhân, doanh nghiệp đứng ra thành lập trường đều là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về các vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính, bất động sản. Điều này khiến các chủ đầu tư gặp lúng túng trong việc tiếp cận nguồn vốn, trong trường hợp nóng vội hoặc không được hướng dẫn hợp lý sẽ “ngã” theo các hình thức vay vốn tự do khác với lãi suất cao hơn.

Bên cạnh đó, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, hiện nay đối với một số dự án đầu tư trọng điểm, TP đã nới rộng thời gian trả vốn gốc cho các chủ đầu tư từ 7 năm lên 10 năm, thậm chí 12 năm để tạo điều kiện cho các đơn vị nhanh chóng đi vào hoạt động, chia sẻ áp lực sĩ số. Song, không ít chủ đầu tư xây dựng trường ngoài công lập thừa nhận chương trình còn “bên trọng, bên khinh” khi cho phép các trường công lập vay vốn không cần thế chấp tài sản, trong khi trường ngoài công lập phải chật vật chứng minh nguồn tài sản thế chấp.

Bà Lê Thị Kim Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Mầm non tư thục Ánh Hồng (quận Bình Tân) cho biết, nếu như các trường công lập chỉ có một nỗi lo cơ sở vật chất thì các đơn vị ngoài công lập sau khi hoàn tất thủ tục vay vốn xây dựng trường phải chạy lo tiếp kinh phí mua sắm trang thiết bị. Do đó, bà Lê Thị Kim Ánh kiến nghị TP xem xét việc cho các chủ đầu tư xây dựng trường ngoài công lập vay hai lần vốn, hoặc gộp chung vốn xây dựng trường với phần vốn đầu tư trang thiết bị. 

Vốn vay chưa đến tay

Chính sách vay vốn đã có song trên thực tế, số lượng trường tiếp cận nguồn vốn chưa nhiều. Bà Phan Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm quận 9, cho biết trước đây cần khoảng 11 tỷ đồng mở rộng trường nhằm đáp ứng chỗ học cho học sinh nhưng hơn hai năm chạy ngược chạy xuôi lo thủ tục vẫn không xong, cuối cùng đơn vị phải chuyển qua vay vốn tự do, dù tốn kém hơn một chút nhưng tiết kiệm được thời gian, hồ sơ thủ tục đơn giản hơn nhiều. Đồng cảnh ngộ, hiệu trưởng (xin được giấu tên) của một trường mầm non tư thục ở quận Gò Vấp cho biết, từ khi thành lập trường đến nay, toàn bộ cơ sở vật chất đều phải đi thuê mướn. Tính đến nay, trường đã qua 5 lần đổi tên, nhiều lần di dời địa điểm. “Sau nhiều năm tích cóp, chúng tôi cũng để dành được hơn 4 tỷ đồng, gõ cửa nhiều nơi xin được hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ pháp lý để vay vốn nhưng nhiều tháng trôi qua, bộ phận này chuyển qua bộ phận kia, đến nay chúng tôi vẫn chưa biết đơn vị mình có được vay vốn hay không”, vị hiệu trưởng này chua chát bày tỏ.  

Đó là 2 trong số rất nhiều trường hợp chủ đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay kích cầu. Còn ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, trong tổng số 14 trường và nhóm lớp mầm non tư thục, chỉ có 1 đơn vị tiếp cận được nguồn vốn vay kích cầu là Trường Mầm non tư thục Hạnh Phúc. Đây cũng là đơn vị duy nhất trên địa bàn có cơ sở vật chất khang trang, hiện đang nuôi giữ 331 trẻ; các cơ sở còn lại đều nhỏ lẻ, hầu hết được cải tạo lại từ công trình nhà ở của người dân hoặc mặt bằng thuê mướn tạm bợ. Quận 7 cũng có 68/85 trường mầm non ngoài công lập có cơ sở thuê mướn và hầu hết các trường đều cho biết chưa được tư vấn hoặc hướng dẫn về chủ trương vay vốn kích cầu.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM bày tỏ, trước đây chủ đầu tư muốn vay vốn kích cầu phải trực tiếp đứng ra làm thủ tục với danh nghĩa cá nhân, qua nhiều khâu kiểm tra, thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền. Song nhiều năm trở lại đây, khi UBND TP đứng ra tiếp quản vai trò bảo lãnh nguồn vốn, phân bổ về cho UBND các quận, huyện, con đường tiếp cận vốn vay ưu đãi của người dân đã rút ngắn hơn nhiều. “Tuy nhiên, vì sao kinh phí đã được rót về tận các quận, huyện nhưng vẫn chưa đến tay người dân? Vấn đề nằm ở chỗ các địa phương đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn pháp lý cho người dân thế nào khiến chủ trương mới chỉ nằm trên giấy”, ông Huỳnh Công Hùng thẳng thắn đặt vấn đề!

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục