Sau nhiều lần làm việc với các quận, huyện và sở, ngành để xây dựng phương án đổi giờ học, giờ làm, dù đồng tình với phương án đổi giờ học, nhưng khi bàn đến lệch giờ làm, đa số lãnh đạo các quận, huyện cho rằng “không cần thiết phải thay đổi”. Sau khi xem xét nhiều nhiều góc độ, ngày 28-11, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM duy trì và tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện lâu nay trong bố trí giờ làm việc, học tập trên địa bàn (không thay đổi giờ hành chính).
Tập trung giải pháp căn cơ
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là vấn đề hết sức gian nan, phức tạp và không thể trong thời gian ngắn mà phải tập trung kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài.
Bên cạnh đó, những giải pháp cấp bách trước mắt như đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức người tham gia lưu thông, nghiên cứu tổ chức lưu thông, phân luồng theo hướng một chiều, lập lại trật tự lòng lề đường; tăng cường xử phạt vi phạm; nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt; thực hiện nghiêm quy định cấm xe 3 - 4 bánh; bố trí lệch ca, lệch giờ làm việc và kinh doanh trên địa bàn TP.
Trước hết, cần khẳng định lệch giờ làm việc, học tập, kinh doanh không phải là giải pháp căn cơ duy nhất mà chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt cần thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp khác nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông. Phương án bố trí lệch ca, lệch giờ đã được TPHCM nghiên cứu và chính thức đề xuất vào năm 2003 và trình Hội đồng Nhân dân TP xem xét vào năm 2007 nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua.
Tuy nhiên, UBND TP đã chỉ đạo triển khai thí điểm cục bộ, tùy đặc điểm ở từng quận huyện, từng tuyến đường, từng khu vực, từng cụm trường học… để sắp xếp lệch giờ để giảm bớt mật độ xe lưu thông cùng một lúc. Vào thời điểm đó, UBND TP đưa ra kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, trong đó bố trí lại giờ làm việc và học tập vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Tuy vậy, từ năm 2007 nhiều trường đã điều chỉnh việc lệch giờ học 15 - 30 phút giữa các cấp. Đối với các KCN và KCX, ngoài việc tăng cường xe buýt tham gia đưa rước công nhân, ban quản lý xem xét tùy tính chất ngành nghề, công việc sắp xếp giờ vào ra ca để hạn chế công nhân đi lại cùng một lúc trên đường và trước cổng KCN. Công bằng mà nói, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không giảm, chỉ cải thiện được ở một số cổng trường có sân trường rộng rãi mà thôi.
Thực tế ở nước ta hiện nay, cha mẹ thường xuyên đưa đón con em đi học ở cấp phổ thông nên việc bố trí lệch giờ học, giờ làm chưa thể mang lại nhiều kết quả trong phòng tránh ùn tắc giao thông. Giải pháp căn cơ, thiết yếu hơn là phải tăng cường dịch vụ đưa rước học sinh đi học bằng xe buýt.
Xem xét điều chỉnh giờ học
Nhằm đảm bảo an toàn, phòng tránh ùn tắc giao thông, cần khẩn trương thực hiện các giải pháp như quy hoạch phát triển các quốc lộ, đường hướng tâm, đường ô tô cao tốc, đường vành đai, các trục chính đô thị, các nút giao thông, cầu qua sông, đường sắt đô thị; hình thành các đô thị vệ tinh; giải tỏa di dời nhà trên kênh rạch… Trong đó, xử lý lệch ca, lệch giờ làm việc, học tập, kinh doanh chỉ là một trong nhiều biện pháp và có ảnh hưởng liên quan đến sinh hoạt của nhiều tầng lớp trong xã hội nên cần phải được nghiên cứu chọn lọc kỹ càng và phù hợp.
Việc bố trí lệch giờ làm việc, học tập, kinh doanh là nhằm giãn cách thời gian đi lại giữa các đối tượng cho nhu cầu riêng, tránh tình trạng hành trình đi lại cùng một thời điểm để kéo giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Mặt khác, kết hợp giải quyết các nhu cầu khác nhau cho mỗi lần đi lại được khép kín, tránh phải đi lại nhiều lần, giảm bớt thời gian trên đường. Với mục đích trên và xuất phát từ đặc điểm, số lượng người tham gia giao thông của mỗi nhóm đối tượng để có kế hoạch dự kiến bố trí thời gian làm việc cho công sở, xí nghiệp, trường học…
Với những phân tích trên, UBND TP đề nghị Chính phủ cho phép TP duy trì và tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện lâu nay trong bố trí giờ làm việc, học tập trên địa bàn (không thay đổi giờ hành chính) vì đã có kết quả ổn định, đã thực hiện trong thời gian qua. TP sẽ tiếp tục nghiên cứu cập nhật và điều chỉnh khi cần thiết.
Khối các trường có thể điều chỉnh như sau: Mầm non vào học lúc 7 giờ 30 và tan trường lúc 16 giờ (không điều chỉnh); tiểu học buổi sáng vào học 7 giờ và tan học 11 giờ (lớp 1 buổi chiều không điều chỉnh), buổi chiều vào học 13 giờ và tan học 16 giờ 30 (điều chỉnh muộn 15 phút); THCS buổi sáng vào học 7 giờ và tan học 11 giờ 15 (điều chỉnh muộn 15 phút), buổi chiều học 13 giờ, tan học 17 giờ (điều chỉnh muộn 15 phút); THPT buổi sáng vào học 6 giờ 45 và tan học 11 giờ 15 (không điều chỉnh), buổi chiều vào học 12 giờ 45 và tan học 17 giờ 15 (không điều chỉnh). Giờ làm việc hành chính, buổi sáng vào làm việc 7 giờ 30, nghỉ trưa 11 giờ 30 (không điều chỉnh), buổi chiều vào làm 13 giờ và về 17 giờ (không điều chỉnh). |
Q.HÙNG - V.HÀ