TPHCM: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dù muộn vẫn nên tổ chức

Trưa 14-6, ngay sau khi UBND TPHCM có quyết định chính thức về việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 30-6, đồng nghĩa với việc không thể tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập vào ngày 21 và 22-6 theo đề xuất trước đó. Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.

Theo phản ánh của các giáo viên chủ nhiệm lớp 9, việc kỳ thi bị hoãn nhiều lần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cộng với tâm lý “cứ ôn tập nhưng chưa biết khi nào thi” khiến nhiều học sinh hoang mang, cảm thấy "mất lửa" với việc ôn tập kiến thức.

Học sinh Nguyễn Thanh Thảo, lớp 9, Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) bày tỏ: “Em đã ôn đi ôn lại kiến thức rất nhiều lần, dù vẫn đảm bảo tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi nhưng giờ thời gian thi bị bỏ lửng, bạn nào cũng lo lắng không biết khi nào mới được thi”.

Đồng quan điểm, chị Minh Lan, phụ huynh có con đang học Trường THCS Văn Lang (quận 1) chia sẻ, con trai có sức học trung bình. Khác với lần tạm hoãn kỳ thi trước (kỳ thi dự kiến diễn ra vào ngày 2 và 3-6 nhưng bị dời lại đến ngày 21 và 22-6), các con mang tâm lý nhẹ nhõm vì có thêm thời gian ôn tập; thì nay với lần tạm hoãn thứ hai, nhất là khi mốc thời gian chưa thể xác định khiến các con rơi vào tâm trạng chán nản, không biết kỳ thi có bị hoãn nữa không.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều ý kiến đã đề xuất Sở GD-ĐT TPHCM xem xét phương án xét tuyển thay cho thi tuyển. Theo đó, các trường THPT công lập sẽ thành lập hội đồng tuyển sinh, căn cứ trên kết quả học tập năm lớp 9 hoặc rộng hơn là kết quả học tập các năm 6, 7, 8 làm cơ sở xét tuyển học sinh đã hoàn thành chương trình THCS.

TPHCM: Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dù muộn vẫn nên tổ chức ảnh 1 Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021

Tuy nhiên, đánh giá về đề xuất này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng, nếu trong tình thế phải thực hiện giãn cách xã hội thì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập có thể diễn ra vào cuối tháng 7 (sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT theo lịch thi dự kiến của Bộ GD-ĐT vào giữa tháng 7), thậm chí đầu tháng 8 vẫn hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Thầy Huỳnh Thanh Phú lý giải, tổng thời gian tổ chức kỳ thi và chấm thi có thể rút ngắn trong vòng 2 tuần, huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM tham gia. Thêm vào đó, năm học 2021-2022 không nhất thiết bắt buộc khai giảng vào ngày 5-9 mà có thể khai giảng muộn hơn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể lùi thời gian năm học trong trường hợp thật sự cần thiết.

Hiện nay, các trường đã quen với việc triển khai song song hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt trong 2 năm học liên tiếp vừa qua, thời gian thực học của học sinh chỉ diễn ra trong 8 tháng chứ không phải 9 tháng nên việc lùi ngày khai giảng, kết hợp việc học trực tiếp với trực tuyến có thể xem là phương án tình thế trong tình hình hiện tại.

Bên cạnh đó, với tổng số hơn 83.300 thí sinh tham gia dự thi tuyển sinh lớp 10, trong khi tổng khả năng tiếp nhận của các trường THPT công lập chỉ hơn 67.000 học sinh, đồng nghĩa sẽ có hơn 15.000 học sinh rớt lớp 10 công lập. Nếu thực hiện việc xét tuyển khó tránh khỏi trường hợp học sinh không trúng tuyển ở hội đồng xét tuyển này nhưng điểm vẫn cao hơn điểm xét tuyển của hội đồng khác. Như vậy nếu áp dụng phương thức xét tuyển lớp 10 trên toàn TPHCM sẽ khó đảm bảo sự công bằng. Chưa kể hiện nay, TPHCM có loại hình trường chuyên và trường thường, trong cùng một trường có lớp thường và lớp chuyên. Việc xác định cơ sở xét tuyển vào lớp 10 thật sự là bài toán khó.

Từ những lý do đó, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất chờ hết thời gian giãn cách xã hội thì tổ chức kỳ thi. Thêm vào đó, từ thực tế đang diễn ra, ngành GD-ĐT TPHCM nên rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch cho năm học tới. Cụ thể, năm học 2021-2022 cần được xây dựng hai phương án thi tuyển và xét tuyển, phổ biến cho phụ huynh và học sinh biết ngay từ đầu năm học để có sự chuẩn bị và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp có thể áp dụng ngay phương án dự phòng là xét tuyển. Khi đó, nhờ được xây dựng phương án từ trước nên các trường THPT có cơ sở xây dựng định mức, phương án tổ chức đảm bảo yêu cầu khách quan, công bằng trong tuyển sinh.

Ngoài ra, theo hiệu trưởng một trường THCS ở quận 5, kỳ thi học kỳ 2 năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh “thi gấp để chạy dịch” nên khó đảm bảo chất lượng, sự đồng đều, công bằng về mặt điểm số giữa học sinh các trường THCS. Vì vậy, phương án xét tuyển lớp 10 dựa trên kết quả học tập năm lớp 9 sẽ khó có sự đồng thuận cao của phụ huynh.

Thời điểm hiện tại, nhiệm vụ của các trường THCS là tiếp tục động viên, duy trì tâm lý và trạng thái tinh thần tốt nhất cho học sinh cho đến khi có thông báo mới của UBND TPHCM.  

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM diễn ra vào sáng 14-6, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP thông tin, Sở này đã cho hủy toàn bộ nội dung đề thi và giải phóng hội đồng in sao đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo ông Dương Trí Dũng, hiện tất cả các hoạt động giáo dục cũng như các kỳ thi của TP đã được tạm hoãn theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Qua số liệu thống kê cho thấy, toàn TP có 702 học sinh trong các khu phong toả, cách ly. Trong đó, có 6 em diện F0, 48 em F1 và 218 em F2.

Trước đó, Sở GD-ĐT dự kiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ tổ chức vào hai ngày 2 và 3-6, sau khi có quyết định tạm hoãn lần 1 đã dự kiến diễn ra vào ngày 21 và 22-6. Tuy nhiên, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tổ chức kỳ thi đến nay vẫn chưa được xác định.

Tin cùng chuyên mục