TPHCM lần đầu tiên đưa công nghệ thông tin vào giáo dục hướng nghiệp

Trước sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM đã quyết định hợp tác với một đơn vị tư nhân tổ chức các tiết học giáo dục hướng nghiệp cho học sinh với sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm hướng nghiệp.
Sáng 30-10, tại Trường THPT Nguyễn Du đã diễn ra tiết dạy giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khối 11 với chủ đề "Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp".
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, trường tổ chức nhiều hình thức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh như tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm ở sân trường, mời chuyên gia về trường tư vấn đối với từng khối lớp cho học sinh, tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm điều kiện làm việc thực tế tại một số doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, trường đã quyết định hợp tác với một đơn vị tư nhân tổ chức các tiết học giáo dục hướng nghiệp cho học sinh với sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm hướng nghiệp.
TPHCM lần đầu tiên đưa công nghệ thông tin vào giáo dục hướng nghiệp ảnh 1 Học sinh tham gia khảo sát qua tiết học hướng nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin
Chia sẻ rõ hơn điều này, thầy Minh Hiếu, giáo viên bộ môn Tin học, Trường THPT Nguyễn Du cho biết, học sinh sẽ được hướng dẫn thao tác với máy tính, mỗi em được cung cấp một tài khoản cá nhân và chủ động đăng nhập. Khi sử dụng phần mềm, học sinh sẽ trả lời hơn 100 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 40-50 phút về sở thích, tính cách, mục tiêu cá nhân để từ đó đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. 
Bạn Lê Duy, học sinh lớp 11A1 cho biết, trước đây các em chủ yếu được hướng nghiệp thông qua hình thức ngồi tại chỗ và lắng nghe chuyên gia nói. Khi đó, một người nói sẽ có rất nhiều người khác lắng nghe nên tương tác ngược lại là đặt câu hỏi cho diễn giả cũng khó thực hiện. Trong khi đó, với phần mềm hướng nghiệp sử dụng công cụ hỗ trợ là máy vi tính, các em được tương tác "một đối một", có thể thoải mái trả lời tất cả câu hỏi, cũng như thể hiện suy nghĩ, mong muốn của bản thân về nghề nghiệp trong tương lai.
Dựa trên các thông tin về sở thích, thế mạnh của mỗi cá nhân, phần mềm sẽ sàng lọc, gợi ý cho người sử dụng từ 5-10 nghề nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, có thêm chi tiết về mức lương, điều kiện làm việc, nhu cầu thị trường trong tương lai, yêu cầu bằng cấp để các em so sánh, tham khảo.
TPHCM lần đầu tiên đưa công nghệ thông tin vào giáo dục hướng nghiệp ảnh 2 Trao đổi thêm thông tin sau khi thực hiện khảo sát
Lại Thị Quế Hương, học sinh lớp 11A1 bày tỏ, số lượng câu hỏi cần trả lời khá nhiều, mỗi câu lại đưa ra cho người sử dụng 5 lựa chọn mức độ là "Cực kỳ ghét - Không thích - Bình thường - Hơi thích - Rất thích" khiến em phải mất thời gian suy nghĩ và lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi nhận được kết quả nghề nghiệp, em thấy rất hài lòng và không tiếc thời gian đã bỏ ra để trả lời các câu hỏi.
Dương Minh Thành, Bí thư Đoàn lớp 12A9 cho biết, khi đăng ký tài khoản, phần mềm cho phép người sử dụng đăng ký thêm một địa chỉ mail cá nhân để gửi và cập nhật kết quả sau mỗi lần tham gia khảo sát.
"Em thấy đây là một cách làm tốt để ba mẹ cùng đồng hành với lựa chọn nghề nghiệp của chúng em. Nhiều bạn đã đăng ký địa chỉ mail cập nhật kết quả khảo sát là mail của ba mẹ để thông qua đó, cả gia đình gồm cha mẹ và con cái có thêm cơ sở cùng nhau bàn luận, định hướng nghề nghiệp của các em trong tương lai", học sinh này cho biết.   
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng phần mềm còn một số hạn chế như chưa có ứng dụng sử dụng trực tiếp trên điện thoại di động (mới chạy trên máy tính có kết nối mạng Internet), một số ngành nghề còn mô tả chung chung, chưa cập nhật một số nghề "mới - độc - lạ" theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại...
Do đó, trong thời gian tới, đơn vị cung cấp sẽ tiếp tục hoàn thiện phần mềm nhằm tăng thêm hiệu quả sử dụng, đồng thời phổ biến công cụ này tại nhiều trường phổ thông. 

Tin cùng chuyên mục