TPHCM lắng nghe doanh nghiệp hiến kế phát triển

Ngày 22-3, UBND TPHCM tổ chức “Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2030”. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và 24 doanh nghiệp. 

Nhu cầu vốn đầu tư công rất lớn

Phân tích bối cảnh kinh tế hiện tại của TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết, TP đã đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2022), TP tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục kinh tế - văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19. Giai đoạn 2 (2023 - 2025), TP tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững, tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của TP. Để có thể thực hiện các mục tiêu trên, TP tập trung triển khai các giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở tiếp tục chủ động đề xuất trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển về nhân lực, đất đai gắn với các dự án xây dựng, tài chính.... 

TPHCM lắng nghe doanh nghiệp hiến kế phát triển ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM 
Phan Văn Mãi tặng quà lưu niệm cho các doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phân tích về những thuận lợi của TP, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện tổng thu ngân sách tăng 3% so với cùng kỳ. Dự án FDI giảm 30% số lượng nhưng tăng 8% quy mô vốn. Đặc biệt, có đến hơn 50% số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động mở rộng vốn đầu tư. Về nội lực, TP đã tăng tốc đưa nhiều tuyến đường huyết mạch vào sử dụng, giúp DN tăng khả năng kết nối giao thương, thúc đẩy xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì TP đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: Nhiều ngành kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn; Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến năng suất lao động; Sức ép lạm phát, giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu có xu hướng tăng và có nguy cơ bị gián đoạn các chuỗi cung ứng liên quan đến xung đột về an ninh và địa chính trị của các quốc gia… Ngoài ra, việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính công còn chưa như mong muốn. Nhu cầu vốn đầu tư công rất lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp. Hiện nay, TP chỉ được giao khoảng 21% vốn ngân sách so với tổng nhu cầu.

Các ý kiến của DN tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi là: TP cần cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn; TP cần đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng vận tải, logistics, cảng biển; xây dựng nguồn nhân lực TP đáp ứng yêu cầu phát triển mới hiện nay. Trên cơ sở đề xuất này, các cơ quan liên quan phải tiếp thu sâu sắc những đóng góp tâm huyết của DN, làm cơ sở cải thiện môi trường đầu tư. Bước tiếp theo cần có tiêu chí quy định trách nhiệm của chính quyền và DN. Một khi chính quyền cam kết, DN đồng hành thì TP có niềm tin sẽ vượt qua được những khó khăn để thực hiện thành công những ước mơ, khát vọng, mục tiêu mà TP đề ra

Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN

Tập trung tháo nút thắt hạ tầng


Trên cơ sở nhìn nhận những thuận lợi và khó khăn của TP, nhiều ý kiến DN đã tập trung phân tích những ưu điểm mà TP cần tập trung ưu tiên đầu tư. Vấn đề đầu tiên là cơ sở hạ tầng cảng biển. Nhiều DN cho rằng, mỗi năm, lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng 30%, nhưng hạ tầng tiếp nhận tại cảng này đã bắt đầu quá tải, tình trạng ùn tắc hàng hóa ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, việc nâng cấp cải tạo hệ thống cảng biển rất cấp thiết. Mặt khác, về hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, cần phát triển để hạ tầng số, giúp DN không phải đến trực tiếp làm thủ tục. Vấn đề ùn tắc giao thông trong thực tế sẽ được giảm thiểu nếu phát triển việc trao đổi dữ liệu điện tử. 

Cùng chia sẻ vấn đề này, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, TP cần tính đến việc xây dựng thêm hệ hống cảng biển mới, cảng trung chuyển để tăng khả năng kết nối giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, TP triển khai nhanh cải thiện hạ tầng giao thông có tính đến yếu tố chủ động liên kết vùng. Muốn vậy, TP cần kiên trì đề xuất trung ương tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP để giúp TP chủ động hơn trong việc kết nối vùng. 

Để tăng khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng Kizuna, chia sẻ, kinh nghiệm thu hút 1.000 DN cho tỉnh Long An cho thấy, TP cần đầu tư đa dạng khu công nghiệp để thu hút cộng đồng DN vừa và nhỏ cũng như DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Bởi nhóm DN vừa và nhỏ, nhất là DN hoạt động trong 4 lĩnh vực cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin chế biến, chế tạo được xem là nền tảng để hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng hấp dẫn để thu hút DN FDI đầu đàn. 

Trong việc huy động và hỗ trợ vốn đầu tư cho DN phát triển, theo ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, việc TP quyết tâm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là điều rất cần thiết và lẽ ra phải làm sớm hơn. Hiện quỹ đang quản lý dòng vốn 7 tỷ USD và trong thời gian tới, cùng với thành viên là công ty Chứng khoán TPHCM sẽ tiếp tục huy động vốn lên đến 14 tỷ USD nhằm tài trợ vốn cho các DN trong nước phát triển, tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển chung cho TP.

Đồng chí PHAN VĂN MÃI, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM:  Mong muốn doanh nghiệp là đồng tác giả kiến tạo kinh tế với TPHCM

Lãnh đạo TPHCM luôn mong muốn DN là đồng tác giả trong việc kiến tạo mô hình phát triển kinh tế của TPHCM hiện tại và tương lai. Sau hội nghị này, TPHCM sẽ lập tổ công tác làm việc với DN nhằm triển khai nhanh các dự án đầu tư phát triển.

TPHCM lắng nghe doanh nghiệp hiến kế phát triển ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
TPHCM sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chuyển đổi số, đề án xây dựng TP thông minh, đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đề án quản lý đất đai, chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM. Trong đó, tập trung vào phát triển đề án logistics, chống ngập và xử lý chất thải, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, chương trình phát triển nhà ở, kết cấu hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và văn hóa, y tế thông minh… phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối ngân hàng hỗ trợ DN. TPHCM mong muốn các nhà đầu tư tham gia cùng TP phát triển các đề án trên.

Tin cùng chuyên mục