Chào mừng Đại hội đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015)

TPHCM liên kết bền chặt các địa phương

Đồng chí Trần Thế Ngọc Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang: Hợp tác với TPHCM, kinh tế phát triển nhanh
TPHCM liên kết bền chặt các địa phương

Đồng chí Trần Thế Ngọc Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang: Hợp tác với TPHCM, kinh tế phát triển nhanh

TPHCM liên kết bền chặt các địa phương ảnh 1

Tỉnh Tiền Giang có vị trí cực kỳ thuận lợi khi hợp tác với TPHCM. Đó là giao thông thuận tiện nhờ quốc lộ 1A đi ngang và đường cao tốc rút ngắn thời gian đi lại, vùng nguyên liệu trái cây lớn nhất cả nước, cũng đồng thời là tỉnh có dân số khá đông (1,7 triệu người). Chính vì vậy, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Tiền Giang, doanh nghiệp của hai địa phương thực hiện được nhiều dự án đầu tư giúp Tiền Giang phát triển nhiều mặt về kinh tế, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, y tế, quản lý nhà nước…

Tính đến nay, tỉnh Tiền Giang đã thu hút 42 dự án với tổng đầu tư khoảng 7.750 tỷ đồng, đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Ngoài các lĩnh vực, dự án hợp tác đã được nêu trong thỏa thuận, các đối tác ở Tiền Giang cũng mở rộng hợp tác với TPHCM thêm nhiều lĩnh vực, dự án mới. Một số dự án lớn đang hình thành, sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới như dự án Cụm công nghiệp Tam Hiệp ở huyện Châu Thành, KCN Bình Đông, dự án Du lịch Cồn Ngang do Công ty Kim Thành đầu tư tại huyện Tân Phú Đông, cơ sở đào tạo của Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, Trường Cao đẳng Cao Thắng, đường Vành đai phía Đông và khu dân cư hai bên đường tại thị xã Gò Công…

Thông qua các dự án này, tỉnh Tiền Giang sẽ thu hút thêm 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư hạ tầng, giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động, tạo diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nói chung, các nhà đầu tư đến từ TPHCM đã thúc đẩy kinh tế của tỉnh Tiền Giang phát triển khá nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 4 năm gần đây (2005-2009) tăng bình quân 11,1%, so với tốc độ tăng 8,3%/năm của 10 năm trước đó. Nhờ đó đã chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng chí Ngô Hòa Phó Chủ tịch Thường trực  UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: TPHCM: Nhịp đập trong tim Thừa Thiên - Huế

TPHCM liên kết bền chặt các địa phương ảnh 2

Trong những năm tháng chiến tranh, tin tức thắng lợi ở Huế chính là niềm cổ vũ động viên nhân dân thành phố quyết tử đập tan sào huyệt quân thù. Rồi sau ngày giải phóng, Thừa Thiên - Huế và TPHCM lại sát cánh cùng nhau khắc phục những hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, tự tin trên bước đường xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Lúc Thừa Thiên - Huế khó khăn cần sự chia sẻ, TPHCM đã có mặt sớm nhất bằng những hành động thiết thực như: Chương trình xóa nhà tạm cho đồng bào mang họ Bác Hồ thuộc huyện A Lưới hay những lúc thiên tai lũ lụt; Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã chia sẻ với nhân dân vùng rốn lũ, vùng tâm bão Thừa Thiên - Huế những gói mì tôm cứu đói, những tấm tôn lợp lại nhà cửa người dân nghèo bị quật đổ trong mưa bão...

Trên bước đường phấn đấu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đang rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển của TPHCM. Về kinh tế, Thừa Thiên - Huế được xem là “người em”, vì thế chúng tôi mong muốn TPHCM giúp đỡ nhiều hơn nữa để Thừa Thiên - Huế thực hiện đồng bộ các giải pháp kêu gọi đầu tư như: tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và các thiết chế pháp lý đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, áp dụng tốt cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư của doanh nghiệp, tập trung các giải pháp để nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: TPHCM giúp Quảng Nam khai thác tốt tiềm năng

TPHCM liên kết bền chặt các địa phương ảnh 3

Mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ giữa TPHCM và Quảng Nam suốt thời gian qua luôn phát triển nhất là trên lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế, du lịch, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai… Quá trình phát triển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp thời gian qua có sự tham gia, giúp đỡ rất lớn từ chính quyền, các doanh nhân và nhân dân thành phố mang tên Bác. TPHCM đã hỗ trợ Quảng Nam rất lớn trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến với Quảng Nam... Tình cảm ấy được nhân lên và thể hiện qua những lần lãnh đạo TPHCM trực tiếp đến thăm, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam trong những lần thiên tai, bão lũ...

Đã từ lâu, Quảng Nam và TPHCM xác định mối quan hệ giữa hai địa phương là nhiệm vụ lâu dài. Chính vì vậy, trong thời gian đến, mối quan hệ ấy hướng vào việc phát huy lợi thế của nhau một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. TPHCM tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam trên các lĩnh vực phát triển kinh tế văn hóa, du lịch, dịch vụ, giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao... Giúp nhau trong hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch, quản lý điều hành nền kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, cảng biển, khu du lịch...

Tôi tin tưởng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX sẽ thành công tốt đẹp, mở ra triển vọng phát triển mới, to lớn hơn để tiếp tục xây dựng TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ… của cả nước. Từ đó, TPHCM lưu ý đến việc chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện và giúp đỡ các địa phương khác, trong đó có Quảng Nam khai thác tốt các tiềm năng, tạo sự phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục