Thời gian qua, Long An là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu khu vực ĐBSCL; đồng thời là tỉnh duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao hơn 11,26%/năm. Để đạt được kết quả ấn tượng trên, Long An luôn đánh giá cao sự liên kết, hợp tác toàn diện với TPHCM…
Các doanh nghiệp đến từ TPHCM thu mua nhiều sản phẩmgia cầm và trứng ở Long An
Theo UBND tỉnh Long An, nhờ sự hợp tác rất tốt với TPHCM nên thời gian qua, tình hình thu hút đầu tư thuận lợi. Tính đến cuối năm 2015, có hơn 36 doanh nghiệp đến từ TPHCM xây dựng cơ sở hạ tầng ở 24 khu công nghiệp trên địa bàn Long An với tổng diện tích 8.247ha và vốn đầu tư hơn 14.900 tỷ đồng; ngoài ra, cũng có 15 doanh nghiệp khác đầu tư vào 15 cụm công nghiệp với tổng vốn 6.726 tỷ đồng. Tính chung, đến nay có khoảng 400 doanh nghiệp từ TPHCM đến đầu tư làm ăn ở Long An, tổng vốn khoảng 43.716 tỷ đồng. Từ sự hoạt động hiệu quả của nhiều doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn trong tỉnh Long An, thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống người dân ổn định.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ TPHCM đến Long An xây dựng các nhà máy chế biến gia súc, gia cầm, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại… Thông qua kênh phân phối này, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được tiêu thụ dễ dàng; trong đó có 28 doanh nghiệp và HTX của Long An ký kết cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp TPHCM. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Là tỉnh có nghề chăn nuôi phát triển khá mạnh nên chúng tôi luôn quan tâm đến đầu ra sản phẩm và luôn tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Ba Huân ký khoảng 15 hợp đồng thu mua trứng gia cầm ở huyện Cần Đước và Cần Giuộc với số lượng hơn 30 triệu quả trứng/năm; Công ty San Hà thu mua gà, vịt ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười từ 1.500 - 3.000 tấn gà, vịt/năm; Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan thu mua heo hơi của các hộ nuôi tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng bình quân trên 3.000 tấn/năm… Có được những doanh nghiệp mạnh của TPHCM thu mua sản phẩm đã giúp bà con chăn nuôi tiêu thụ dễ dàng”.
Là địa bàn giáp ranh nên việc đầu tư hệ thống giao thông được tỉnh Long An và TPHCM đẩy mạnh. Những tuyến đường kết nối giữa các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa (Long An) với các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM) được cải tạo, nâng cấp mở rộng đảm bảo đi lại thông suốt, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn. Hơn 20km đường sông tiếp giáp giữa Long An với TPHCM được đầu tư 1 bến phà ngang và 1 bến thủy nội địa, phục vụ người dân đi lại. TPHCM còn hỗ trợ tích cực về đào tạo nhiều cán bộ y tế cho Long An, trợ lực về an sinh xã hội, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường…
Dù có nhiều nỗ lực trong hợp tác, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, trong đó việc chuyển giao đầu tư từ TPHCM về lĩnh vực công nghiệp chưa đạt hiệu quả cao; quan hệ giữa doanh nghiệp thu mua ở TPHCM với nông dân sản xuất ở Long An chưa chặt chẽ theo chuỗi giá trị; các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp triển khai chậm; liên kết du lịch chưa đáp ứng nhu cầu mới đặt ra… Theo UBND tỉnh Long An, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết với TPHCM trên nhiều mặt. Trong đó, trọng tâm là phát triển lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư, phát triển giao thông vận tải, y tế, giáo dục đào tạo, đô thị… Để sự liên kết đạt hiệu quả cao, giữa hai bên sẽ ban hành kế hoạch hành động cụ thể, xác định những nhiệm vụ chính. Từ cơ sở đó sẽ triển khai cho các sở ngành, doanh nghiệp… thực hiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai địa phương cần tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo thực hiện chương trình liên kết. Nên có những buổi gặp gỡ kịp thời để giải quyết những vướng mắc, phát sinh…
NGUYỄN THANH