TPHCM nằm trong 5 thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất

Theo một báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 20-6, khả năng trái đất ấm lên trong 2 thập kỷ tới đang làm trầm trọng hơn những thách thức mà Đông Nam Á đang phải nỗ lực vượt qua. Báo cáo này dựa trên một báo cáo của WB công bố cuối năm trước, với kết luận rằng cuối thế kỷ này thế giới có thể sẽ ấm lên thêm 4°C.

Nếu trái đất ấm lên thêm 2°C

(SGGP).- Theo một báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 20-6, khả năng trái đất ấm lên trong 2 thập kỷ tới đang làm trầm trọng hơn những thách thức mà Đông Nam Á đang phải nỗ lực vượt qua. Báo cáo này dựa trên một báo cáo của WB công bố cuối năm trước, với kết luận rằng cuối thế kỷ này thế giới có thể sẽ ấm lên thêm 4°C.

Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, các nhà khoa học cho biết nếu trái đất ấm lên thêm 2°C nữa - có thể sẽ đến trong vòng 20 đến 30 năm nữa - sẽ gây hệ lụy là thiếu lương thực trên diện rộng, những luồng nóng chưa từng có sẽ xảy ra, và những trận lốc xoáy cường độ mạnh hơn. Báo cáo của WB đã phân tích những rủi ro thời tiết nguy hại nhất tại khu vực Đông Nam Á khi trái đất ấm lên thêm 2°C. Cụ thể, WB dự đoán việc nước biển dâng cao thêm 50cm vào những năm 2050 chắc không thể tránh khỏi do hậu quả của các chất thải trong quá khứ và trong một vài trường hợp, tác động có thể xảy ra sớm hơn. Điều này sẽ gây ra hậu quả tàn phá nặng nề hơn, làm cho những cánh đồng bị ngập lụt trong thời gian dài hơn, và những vùng châu thổ ngập nước với những cánh đồng và nguồn nước uống bị xâm mặn.

WB cũng tính toán rằng các trận bão sẽ tăng về cường độ. Ba vùng châu thổ sông Mekong, sông Irrawaddy và sông Chao Phraya - tất cả những diện tích đất quan trọng nằm dưới 2m so với mực nước biển - đặc biệt bị nguy hiểm. Nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch là những ngành dễ bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu ở những vùng đồng bằng này. Các thành phố vùng duyên hải, với sự tập trung dày đặc về mật độ dân số và tài sản vật chất, cũng đang bị đặt trước nguy cơ những cơn bão cường độ mạnh, nước biển dâng trong thời gian dài và những trận bão ven biển bất ngờ. Có 5 thành phố gồm Bangkok, TPHCM, Jakarta, Manila và Yangon là những thành phố được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các chuyên gia của WB dự báo nước biển dâng 30cm có thể xảy ra sớm vào năm 2040, gây thiệt hại khoảng 12% sản lượng gạo trong khu vực. Ở Việt Nam, một số ảnh hưởng lớn nhất sẽ là lũ lụt ở khu vực đô thị do tác động của nước biển xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Mekong. WB đang làm việc với Chính phủ Việt Nam trong hàng loạt các hoạt động chính sách nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đang thảo luận các chương trình tại TPHCM và đồng bằng sông Mekong để giải quyết các mối đe dọa này.

BẢO MINH


Xuất hiện áp thấp nhiệt đới có thể thành bão

(SGGP).- Ngày 20-6, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vừa hình thành và đang hoạt động trên biển Đông, gây thời tiết xấu cho vùng biển. Chiều qua, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,1 độ vĩ Bắc và 116,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7 (từ 39 - 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển lệch dần về phía giữa Bắc Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có thể mạnh lên thành bão. Đến khoảng chiều 21-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ vĩ Bắc và 116 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 - 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Ngoài ra do ảnh hưởng của đới gió Tây Nam có cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão, ngày 20-6, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao chủ động theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ, chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục