TPHCM: Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường

TPHCM: Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường

TPHCM đang phải đối mặt với những vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường, kênh rạch ô nhiễm,  nguy cơ thiếu nước sạch do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường đang là bài toán khó cho TPHCM.

Theo dự báo, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Cụ thể, lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng 1OC cho đến năm 2050 và 2,6OC cho đến năm 2100. Tương ứng với nhiệt độ tăng, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm cho đến năm 2050 và tiếp tục tăng trong khoảng 65 - 100cm vào năm 2100. Như vậy, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp các yếu tố tăng nhiệt độ, suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước.

Mực nước biển dâng lên kết hợp với triều cường sẽ tạo ra các đỉnh lũ cao hơn dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng theo. Không dừng lại ở đó, hiện thành phố cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm bởi chất thải, nước thải. Theo thống kê, mỗi ngày thành phố thải ra môi trường khoảng 7.000 - 8.000 tấn chất thải các loại, trong khi việc xử lý chủ yếu là bằng biện pháp chôn lấp. Đối với vấn đề xử lý nước thải, theo báo cáo, mỗi ngày thành phố có 600.000m3 nước thải nhưng chỉ có khoảng 60% tổng lượng nước này được xử lý sơ bộ, còn lại được thải vào hệ thống chung dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Các tập thể, cá nhân được tuyên dương vì có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TPHCM.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từ năm 2005 đến nay, thực hiện “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia”, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã triển khai các chương trình liên tịch phối hợp công tác bảo vệ môi trường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Thành đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân… trong nhiều năm qua, các chương trình liên tịch đã và đang phát huy những hệu quả tích cực thông qua các mô hình bảo vệ môi trường như mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trương”; “Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”; “Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp”; “Câu lạc bộ nông dân, cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”; tham gia tổ chức sự kiện Giờ Trái Đất hàng năm; chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh và tổ chức giải thưởng môi trường thành phố góp phần to lớn cho công tác bảo vệ môi trường ngày càng văn minh sạch đẹp.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã cho biết, phát triển kinh tế - xã hội gắn kết bảo vệ môi trường là mục tiêu và cũng là động lực cơ bản để đạt tới sự phát triển bền vững. Thật khó có một thước đo hay một công cụ nào khác để đo đếm sự hơn kém về tầm quan trọng giữa môi trường và phát triển. Do đó,  không thể có sự đánh đổi môi trường cho sự phát triển và ngược lại. Trong nhiều thập kỷ qua, TPHCM đã có những bước phát triển vượt bậc trên cơ sở dựa vào các lợi thế và nguồn lực sẵn có cộng với tác động tích cực của công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế trên phạm vi cả nước, TPHCM trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ trong nước cũng như khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu to lớn đạt được thì thành phố đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, sông, ao, hồ, kênh rạch, rác thải và khí thải. Chính vì vậy,  giải quyết vấn đề này không chỉ là việc của một cá nhân, một đơn vị riêng lẻ nào mà nó cần đến sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, vấn đề xây dựng, thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục