Đánh giá kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TPHCM 8 tháng đầu năm và trao đổi về một số biện pháp những tháng cuối năm nhằm hạn chế TNGT, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết:
Nhìn chung, tình hình TTATGT tại thành phố 8 tháng đầu năm nay có mặt được và cũng có mặt chưa được. Một trong những mặt tích cực là không còn xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra 14 vụ ùn ứ giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm, các đợt nghỉ tết, lễ lớn trong năm và tại các khu vực ra vào cảng, cửa ngõ thành phố. Đây là dấu hiệu tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới. Hiện có 11/24 quận, huyện kéo giảm được số người chết do tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, 5 quận có thành tích kéo giảm TNGT trên cả 3 mặt với tỷ lệ cao là quận 8, 9, 10, 11 và 12. Tình hình TTATGT được duy trì ổn định, không xảy ra đua xe trái phép, nhưng về ban đêm vẫn còn xảy ra tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây mất trật tự trên đường với những lỗi vi phạm như lưu thông thành đoàn, lạng lách, dàn hàng ngang… Thời gian qua cũng đã xảy ra liên tiếp một số vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến các loại xe container, xe rơmoóc và xe tải đã làm hoang mang, bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, vẫn chưa có chế tài, biện pháp căn cơ để xử lý nghiêm nhằm hạn chế tình trạng này.
Vòng xoay An Sương đã được chấp thuận chủ trương xây dựng công trình trọng điểm để xóa điểm đen. Ảnh: CAO THĂNG
- PV: Về các điểm đen TNGT trên địa bàn thành phố, theo ông, giải pháp căn cơ để xóa điểm đen là gì?
>> Ông Nguyễn Ngọc Tường: Đến cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có 9 điểm đen TNGT, gồm 8 điểm phát sinh và 1 điểm lặp lại của năm 2013 tại vòng xoay An Sương, quận 12. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã phối hợp với Ban ATGT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp xử lý kỹ thuật, tăng cường hoạt động tuyên truyền và công tác tuần tra, xử phạt để giải quyết các điểm đen nêu trên. Kết quả từ đầu năm đến nay, tại 9 điểm đen nêu trên không tiếp tục xảy ra TNGT. Điều đáng tiếc là đã phát sinh thêm 2 điểm đen mới trên đường D400 thuộc đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Hoàng Hữu Nam và đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9. Như vậy, trên địa bàn thành phố đang có 11 điểm đen TNGT. Để xử lý, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự ATGT đối với 9 điểm đen. Riêng điểm đen tại vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2 và điểm đen tại vòng xoay An Sương, quận 12 đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng TNGT. Cụ thể là điểm đen tại vòng xoay Mỹ Thủy, quận 2 và vòng xoay An Sương, quận 12 đã được bố trí vốn lập dự án chuẩn bị đầu tư. Đối với điểm đen phát sinh mới trên đường D400 và đường Nguyễn Duy Trinh, vào cuối tháng 6-2015, Sở GTVT đã phối hợp với Ban ATGT, Công an thành phố, UBND quận 9, Công an quận 9 kiểm tra tình hình thực tế và có văn bản đề nghị UBND quận 9 thực hiện các giải pháp cấp bách như sơn vạch kẻ đường, bổ sung biển báo, vận động người dân phát quang bảo đảm tầm nhìn và chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên các tuyến đường này.
- Có những điểm nhấn đáng chú ý nào trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn TPHCM từ nay đến cuối năm, thưa ông?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và đẩy mạnh thanh, kiểm tra để xử lý các vi phạm. Cụ thể: Nghiên cứu nâng cao chất lượng, nội dung, hiệu quả công tác tuyên truyền, cả chiều rộng lẫn chiều sâu; tổ chức ghi hình, mô phỏng một số tình huống nguy hiểm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây tử vong để lồng ghép vào nội dung tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân. Ban ATGT thành phố cũng sẽ chủ động đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức chiến dịch tuyên truyền về các giải pháp thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó vai trò của công đoàn trong các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ là nhân tố mấu chốt. Chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; tổ chức tuyên truyền theo các chuyên đề như về sử dụng làn đường, phần đường, đội nón bảo hiểm chất lượng, phòng chống rượu bia đối với lái xe. Ngoài ra, hàng loạt sở ngành liên quan với đặc thù của mình cũng sẽ có phần trách nhiệm đối với công tác đảm bảo TTATGT trên toàn thành phố, như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ…
Thiện Nhân thực hiện