Từ đó, góp phần hạn chế các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm đến tay người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa.
Các chương trình hợp tác thương mại trên đã hỗ trợ nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối, đại lý tìm kiếm được nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao và giá cả phù hợp ở các địa phương; đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân TPHCM. Đặc biệt là các mặt hàng lương thực - thực phẩm trong điều kiện tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp.
Theo Sở Công thương TP, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2017 tại TPHCM ước đạt 75.593 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước và 9 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 675.571 tỷ đồng, tăng 10,82% so cùng kỳ.
Trong đó, hàng hóa có mức tăng cao gồm: đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,5%; gỗ, vật liệu xây dựng tăng 16,1%; xăng dầu tăng 13,5%. Các ngành có mức tăng trưởng khá là ăn uống (8,6%), lương thực - thực phẩm (8,8%), dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (7,6%), dịch vụ giáo dục (3,8%).
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trong giai đoạn từ năm 2017-2020, TPHCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; đồng thời, kết nối các địa phương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng tiêu thụ hàng hóa... TPHCM cũng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố và ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp TPHCM tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.