TPHCM: Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao

(SGGP).- Ngày 14-1, phát biểu tại buổi triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh đến việc tăng cường liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ngoại thành. Nhưng điều quan trọng nhất là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao như công nghệ sinh học vào sản xuất giống và các loại cây con chủ lực của TP như lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, cá sấu, bò sữa...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cơ cấu nông nghiệp TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang cây con có giá trị nên thu nhập của người dân tăng thêm. 

CÔNG PHIÊN

  • ĐBSCL: Thiếu chiến lược thương hiệu sản phẩm vùng miền

Ngày 14-1, tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về “Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ của các tỉnh ĐBSCL”. ĐBSCL là vùng dẫn đầu cả nước về sản phẩm lúa gạo, thủy sản xuất khẩu và là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng; nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc 3 nhóm sản phẩm chủ lực của vùng như gạo nàng thơm Chợ Đào, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nước mắm Phú Quốc; các sản phẩm chế biến từ cá tra, tôm... Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này còn nhiều hạn chế, nhất là đối với thị trường xuất khẩu.

Cho đến nay, vùng ĐBSCL vẫn chưa có một chương trình thương hiệu vùng miền trong chiến lược thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của vùng được xem là một trong những việc làm cấp bách hiện nay. 

XUÂN QUANG

  • Đà Lạt trúng vụ hoa Tết

(SGGP).- Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết do trời rét đậm ảnh hưởng đến diện tích hoa tết của các tỉnh phía Bắc và ở Trung Quốc, nên nhiều loại hoa Đà Lạt hút hàng, được giá. Trong đó, đáng kể nhất là hoa ly ly, dù sản lượng hoa của Đà Lạt năm nay tăng khoảng 25% so với năm ngoái (từ 15 triệu lên 20 triệu cành) nhưng giá vẫn đạt khoảng 150.000 - 200.000 đồng/bó 5 cành, cao hơn năm ngoái 25%.

Cùng với ly ly, hoa layơn cũng đang có giá cao. Theo ông Hoàng Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, vùng chuyên canh hoa layơn tết lớn nhất nước với trên 300ha), hiện giá layơn bán tại vườn khoảng 50.000 đồng/bó 10 cây, riêng giống layơn mới có giá đến 70.000 đồng/bó 10 cây. Một loại hoa tết khác là hoa cúc Đà Lạt cũng trúng mùa, hoa nở trúng tết, chất lượng đẹp và dự báo được giá vì sản lượng hoa ở các tỉnh miền Trung ít. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh hoa tại Đà Lạt còn chuẩn bị khoảng hơn 1 triệu cành lan hồ điệp phục vụ thị trường tết.

Riêng thị trường địa lan năm nay khá ảm đạm, hoa nở sớm, sức mua chậm và giá không tăng so với năm ngoái. Trong đó, loại hoa vàng SJC, FX750 có giá khoảng trên 1 triệu đồng/cành, cam lửa khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/cành, các giống khác có giá từ 350.000 - 700.000 đồng/cành. Do địa lan Đà Lạt khan hiếm nên có đơn vị phải nhập địa lan ngoại về bán tết.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục