TPHCM được xem là trung tâm kinh tế của cả nước, hoạt động kinh tế du lịch của TPHCM cũng phát triển sôi động, lượng khách quốc tế đến TPHCM chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Có được thế mạnh này là do TPHCM sở hữu Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, nơi được xem là điểm trung chuyển khách quốc tế đến Việt Nam. Khi CHKQT Long Thành (Đồng Nai) được xây dựng, đưa vào khai thác thì chắc chắn TPHCM sẽ mất đi vai trò trung tâm trung chuyển, điều này sẽ có tác động rất lớn đến du lịch TPHCM - ngành hiện đóng góp hơn 11% GDP kinh tế của TP.
Thách thức cho du lịch TPHCM
CHKQT Tân Sơn Nhất đang quá tải, việc đầu tư, xây dựng một CHKQT mới có công suất lớn hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển cho TPHCM và các tỉnh khu vực lân cận đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2005.
Dự án CHKQT Long Thành (Đồng Nai) có diện tích khoảng 25.000ha, với vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD, có công suất đón khách cao nhất lên đến 100 triệu hành khách mỗi năm, nếu không có gì thay đổi sẽ được khởi công xây dựng giai đoạn 1 (2014 - 2020) trong năm nay.
Sau khi CHKQT Long Thành đi vào hoạt động thì CHKQT Tân Sơn Nhất hiện nay sẽ trở thành cảng hàng không quốc nội. Đây cũng là một mô hình và là một bài toán đầu tư mà nhiều nước trong khu vực ASEAN và thế giới đã làm khi công suất khai thác ở nơi cũ đã quá tải.
Trong hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đã có nhiều ý kiến về việc nên hay không nên xây dựng CHKQT Long Thành. Nhiều ý kiến cho rằng không nên xây dựng CHKQT Long Thành vào lúc này, chỉ cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đây cũng là một ý kiến tích cực xét trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, về quy hoạch lâu dài, Việt Nam cần phải có một sân bay tầm cỡ, thay thế cho CHKQT Tân Sơn Nhất. Dự án CHKQT Long Thành sẽ phải được tiến hành, vấn đề ở đây là chúng ta quyết định sử dụng nguồn vốn nào để đầu tư xây dựng nó và thời gian xây dựng có thể sẽ muộn hơn.
Năm 2013, Việt Nam đón hơn 7,5 triệu khách quốc tế, riêng TPHCM đón 4,1 triệu khách quốc tế, chiếm khoảng 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thực tế cho thấy, với việc ngày càng có nhiều CHKQT trong nước được nâng cấp, đầu tư xây dựng, tỷ trọng khách quốc tế đến TPHCM đang giảm dần; vài năm trước đây chiếm hơn 60%, nay giảm còn 55% và chắc chắn tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm khi TPHCM mất đi vai trò trung tâm trung chuyển khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt khi CHKQT Long Thành được xây dựng đưa vào khai thác.
Du lịch TPHCM sẽ ra sao nếu TPHCM không còn là trung tâm trung chuyển khách quốc tế? Rõ ràng đây là một thách thức lớn cho ngành du lịch TPHCM trong định hướng phát triển sắp tới.
Thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng
Công tác thống kê lâu nay của chúng ta vẫn chưa chính xác, 4,1 triệu khách quốc tế đến TPHCM qua CHKQT Tân Sơn Nhất trong năm 2013 chỉ là khách quốc tế, chưa phải là khách du lịch. Thách thức của du lịch TPHCM không chỉ ở việc mất đi vai trò trung chuyển mà du lịch TPHCM chắc chắn sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ những địa phương có du lịch phát triển như Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhận xét, hiện nay, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, đầy đủ các dịch vụ vui chơi, giải trí ở khu vực Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đưa vào khai thác. Trong khi đó, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác sẽ rút ngắn đoạn đường từ TPHCM đi TP Vũng Tàu, từ 120km còn 95km, với khoảng 1 giờ 20 phút di chuyển. Nếu có thêm CHKQT Long Thành thì chắc chắn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
TPHCM sẽ có những sản phẩm du lịch thế mạnh nào trong cạnh tranh thu hút khách quốc tế khi mà TPHCM vẫn còn thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh? Câu chuyện phát triển du lịch tại Thái Lan cũng là một vấn đề đặt ra cho chúng ta. Tuyến du lịch Bangkok - Pattaya ở Thái Lan được khai thác và phát triển đến hôm nay cũng nhờ vào một tuyến đường cao tốc.
Liệu TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ kết nối thành một tuyến du lịch hấp dẫn du khách. TPHCM đã xác định sẽ phát triển du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), du lịch shopping. Nhưng TPHCM vẫn chưa có một trung tâm hội nghị có sức chứa 1.000 khách, trong khi đó Nha Trang đã có. Và với một hệ thống shopping còn nhỏ lẻ, quá đắt đỏ và xa xỉ như hiện nay thì TPHCM khó có thể có được sản phẩm thế mạnh để thu hút khách quốc tế đến, giữ chân du khách ở lại vài ngày.
Trong buổi làm việc mới đây với Hiệp hội Du lịch TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, du lịch TPHCM thật sự đang đối mặt với những thách thức, khó khăn mới, không thể tránh khỏi nếu mất đi vai trò trung chuyển. Và điều đáng lo hơn khi các sản phẩm du lịch đang khai thác tại TPHCM hiện nay đã quá cũ, các dịch vụ, thương mại, vui chơi, giải trí vẫn chưa xứng tầm để phát triển du lịch.
MỸ HẠNH