TPHCM: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có dấu hiệu chững lại

Ngày 24-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có xu hướng gia tăng trong tuần 20 của năm 2022. Trong tuần 20, TP ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do SXH lên 7 trường hợp, tính từ đầu năm đến nay.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Bình Chánh
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Bình Chánh

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc SXH, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13-5 đến 19-5), thành phố ghi nhận ghi nhận 943 ca bệnh SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước.

Trong đó số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Cũng trong tuần 20, đã có thêm 1 ca tử vong do SXH tại huyện Củ Chi. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay đã là 7 trường hợp.

Một số quận huyện có số ca bệnh trong tuần giảm so với số ca trung bình 4 tuần trước là: quận 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11 và Phú Nhuận. Tuy nhiên, vẫn còn những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

Trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5. Trong tuần 20 (từ ngày 13-5 đến 19-5), thành phố ghi nhận thêm 882 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức. Các quận, huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Bình Tân, TP Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp.

Theo HCDC, thành phố đã triển khai chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 12 bắt đầu từ ngày 15-5. Chiến dịch nhằm tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh SXH. 

Các hoạt động được tổ chức ở địa phương nhằm giảm nguồn sinh sản của muỗi, chủ động giảm mật độ muỗi khi mùa mưa đến. Tăng cường truyền thông giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong. Và quan trọng nhất là tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước- nơi sinh sản của muỗi vằn.

Tin cùng chuyên mục