TPHCM số ca mắc sốt xuất huyết xu hướng giảm chậm

Chiều 3-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM họp trực tuyến với các sở-ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca mắc Covid-19 tuần qua có xu hướng tăng với 136 ca mắc mới mỗi ngày, số ca nhập viện và nặng có xu hướng tăng nhẹ; số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mới có xu hướng giảm ở 2 tuần liền kề.

Các quận huyện có số ca mắc giảm gồm: quận 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và TP Thủ Đức khu vực 1, 2); 6 quận huyện có số ca mắc giảm nhưng chậm: quận 11, 8, 7, 1, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức khu vực 3).

“Tính đến nay, TPHCM ghi nhận lũy tích 2.087 ổ dịch SXH, trong đó có 593 ổ dịch đang theo dõi và 1.494 ổ dịch đã kết thúc. Số ca đang điều trị tại bệnh viện bao gồm từ các tỉnh chuyển đến là 1.820 trường hợp, trong đó số bệnh nhân thành phố là 1.350 trường hợp”. bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng thông tin.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, từ đầu năm đến nay, ngành y tế thành phố đã ra 263 quyết định xử phạt để phát sinh lăng quăng. 3 quận huyện có quyết định xử phạt nhiều: Bình Tân, Bình Chánh, TP Thủ Đức; 3 quận huyện chưa có quyết định xử phạt: quận 5, huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Các quận huyện có số ca mắc SXH cao nhưng số lượt xử phạt còn thấp: quận 1, 12, Tân Bình.

Trước thực trang này, Sở Y tế đề xuất UBDN quận huyện TP Thủ Đức cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH, kết hợp tăng cường phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117/2020/ NĐ-CP, nhất là đối với quận huyện có tình hình phức tạp mà số quyết định xử phạt còn ít.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức yêu cầu ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em để chuẩn bị vào năm học mới và cho đối tượng ưu tiên. Ông đánh giá cao kết quả tiêm vaccine cho trẻ em đã có khả quan hơn khi số liệu tăng hơn 100% so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, con số tuyệt đối vẫn chưa được như mong đợi, bởi tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em ở mũi nhắc thứ 2 (mũi 4) vẫn còn khá thấp, TPHCM vẫn đang nằm phía dưới trung bình của toàn quốc.

“Các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Chúng ta nhớ lại thời kỳ khó khăn của một năm trước để làm động lực, quyết liệt thực hiện để những ngày đen tối đó không quay trở lại”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Liên quan đến dịch bệnh SXH, ông Dương Anh Đức yêu cầu ngành y tế và các địa phương chủ động hơn nữa có những biện pháp cũng như điều chỉnh hoạt động phòng chống dịch hiệu quả hơn. Bởi nếu kiểm soát được bệnh SXH sẽ có thêm nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08-2022 của Thủ tướng Chính phủ, ông yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực chủ động đề nghị các lực lượng hỗ trợ như: Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục, Hội Liên hiệp phụ nữ,… cùng tham gia hỗ trợ cho Phòng LĐ-TB-XH. Bên cạnh đó, lắng nghe các nguyện vọng, góp ý, các biện pháp của các lực lượng hỗ trợ để hoàn thiện; đồng thời ghi nhận những biện pháp hiệu quả của địa phương có tốc độ giải ngân nhanh để học hỏi kinh nghiệm.  

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, đến 2-8, đơn vị đã thực hiện giải ngân chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg  cho 4.605 đơn vị doanh nghiệp (chiếm 5,93% so với dự kiến hỗ trợ), 187.047 lao động (chiếm 17,03%), 99,644 tỷ đồng (chiếm 5,61%). Các quận, huyện có tỷ lệ giải ngân cao: huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận. Các quận huyện có tỷ lệ giải ngân thấp: quận 1, 11, 3, 6, 12.

Tin cùng chuyên mục