TPHCM tăng cường bảo vệ môi trường

Trong mục tiêu bảo vệ môi trường trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015, thành phố phấn đấu đạt các mục tiêu: có 80% - 90% cơ sở sản xuất dịch vụ và thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về môi trường; có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định; phấn đấu 100% KCN - KCX, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; giảm 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt khu vực ngoại thành. Trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, đạt mục tiêu: thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; 100% tổng lượng chất thải rắn ở đô thị bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được xử lý. Riêng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, thành phố đặt mục tiêu có phân loại tại nguồn và tái chế với tỷ lệ làm phân compost 40%, phân loại tái chế 10%, đốt phát điện 10%, chôn lấp hợp vệ sinh 40% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

Trong thời gian vừa qua, nhờ những nỗ lực của thành phố mà công tác bảo vệ, cải thiện môi trường cũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Theo thống kê, thành phố đã kiểm soát được 2.100/3.300 nguồn thải, ước thực hiện đến năm 2015 có khoảng 85% cơ sở sản xuất dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn; 100% các KCX - KCN, Khu Công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cụm công nghiệp có đơn vị kinh doanh hạ tầng có xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp có xử lý nước thải cục bộ. Trong khi đó, chất lượng nước tại các kênh rạch cũng đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, chất lượng nước kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, mức độ ô nhiễm giảm 73% đối với chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ và giảm 23% đối với chỉ tiêu dinh dưỡng; chất lượng nước tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ, mức độ ô nhiễm hữu cơ giảm 58% và chỉ tiêu dinh dưỡng giảm khoảng 16%... Đối với hoạt động giao thông vận tải, dựa vào kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2015, chỉ tiêu CO giảm khoảng 24%, chỉ tiêu bụi giảm khoảng 7%, chỉ tiêu NO2 giảm khoảng  56%....

Mặc dù công tác cải thiện môi trường có chuyển biến, song tình trạng ô nhiễm trên địa bàn thành phố vẫn còn khá phổ biến. Nguyên nhân một phần là do ý thức của một số cá nhân và tổ chức còn kém. Họ chưa thấy hết được những hậu quả của việc môi trường bị suy giảm. Mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, tuy nhiên, mức độ nhận thức và chuyển biến hành động thành thói quen thì vẫn chưa làm được. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng chưa có nhiều giải pháp để cải thiện và bảo vệ môi trường. Hiện nay vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn sử dụng những nguyên liệu đốt như vỏ hạt điều, vải vụn… gây ô nhiễm nặng đối với môi trường không khí; nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải…

Để hạn chế tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các sở, ban ngành cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cộng đồng; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế. Nâng cao năng lực quản lý, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị về quan trắc phân tích môi trường, giám sát chất lượng môi trường, xây dựng trung tâm quan trắc và phân tích môi trường hiện đại, tiến đến kết nối mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác vùng và quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm, cải thiện chất lượng ô nhiễm môi trường.

HÀ VĂN

Tin cùng chuyên mục