TPHCM: Thu hút đầu tư khởi sắc

Thông tin từ Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (Hepza) cho biết, qua thống kê tình hình thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều khởi sắc. 
Sản xuất cơ khí tại một doanh nghiệp Nhật Bản trong KCX ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất cơ khí tại một doanh nghiệp Nhật Bản trong KCX ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thu hút đầu tư tăng 39,36%
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Hepza cho biết, so với năm 2016, tình hình thu hút đầu tư năm 2017 có nhiều khởi sắc. Cụ thể, chỉ tiêu TPHCM đặt ra thu hút đầu tư năm 2017 là 500 triệu USD nhưng tính đến cuối tháng 6-2017, các KCX-KCN trên địa bàn thành phố đã thu hút được 384 triệu USD, đạt 76,86% kế hoạch đặt ra, tăng 39,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt 159,98 triệu USD, tăng 24,14%; đầu tư trong nước đạt 224,34 triệu USD, tăng 52,72% so với cùng kỳ năm 2016. Diện tích đất cho thuê đạt 67,67ha, tăng 1,74 lần so với cùng kỳ năm 2016. 
Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu đầu tư nước ngoài tại TPHCM. Kế đến là lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản. Các ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu là chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ ngành da giày và cơ khí. Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư Hepza ghi nhận, có 3 dự án đầu tư rất nổi bật trong đầu năm 2017. Một là dự án chế biến thực phẩm do Công ty CP Chế biến thực phẩm Cầu Tre và Tập đoàn CJ hợp tác với tổng vốn đầu tư hơn 53 triệu USD. Kế đến là dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ da giày Paiho Đài Loan có tổng vốn đầu tư 34 triệu USD và sản xuất cơ khí Nhật Bản Tsurumi với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại các KCX-KCN cũng có những biến động nhất định. Trong số 71 dự án được cấp mới, có 7 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang cải tạo nhà xưởng và 54 dự án đang khảo sát, lập thiết kế để xin giấy phép xây dựng. Riêng với những dự án cấp phép cũ, có 10 dự án trong nước và 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư thực hiện chấm dứt dự án. Hepza cũng chấm dứt hoạt động 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ngưng hoạt động. 
Nhìn nhận về sức hấp dẫn môi trường đầu tư TPHCM, ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban quản lý Hepza, thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế so với các tỉnh lân cận. Cụ thể, về giá đất thuê tại các KCX-KCN cao do chi phí đầu tư hạ tầng, giá trị đền bù giải tỏa đất cao. Ngoài ra, diện tích tại nhiều KCX-KCN vẫn còn tình trạng “da beo” do chưa thể giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thể thuê diện tích đất cần thiết để xây dựng nhà máy. 
Mặt khác, giá thuê đất lại do các chủ đầu tư quyết định dựa trên chi phí đầu tư hạ tầng, trong khi thành phố không thể can thiệp nên cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật Đất đai 2013 liên quan đến hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đai của các công ty đầu tư hạ tầng chưa được giải quyết thỏa đáng đã ảnh hưởng đến những nhà đầu tư thứ cấp trong việc mở rộng quy mô đầu tư. 
Liên quan đến quy định về cấp phép xây dựng, hiện còn một số KCX-KCN như Hiệp Phước giai đoạn 2, Lê Minh Xuân 3 và KCN Cơ khí ô tô vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động triển khai dự án của các nhà đầu tư thứ cấp. 
Đưa KCN mới vào hoạt động
Ông Nguyễn Tấn Phước cho biết thêm, để cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, Hepza đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải và chủ đầu tư hạ tầng phải nâng cấp hạ tầng dịch vụ trong và ngoài khu để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp; làm việc với Cục Thuế, Sở Tài chính tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục trả tiền thuê đất một lần của các công ty hạ tầng, tạo điều kiện doanh nghiệp thứ cấp đẩy mạnh đầu tư. 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố đạt 2.756 triệu USD, tăng 27,24% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chỉ mới đạt 45,93% so với kế hoạch đặt ra trong năm 2017. Nguyên nhân được xác định do số lượng đơn hàng đầu năm chưa nhiều và thường tập trung vào 6 tháng cuối năm.
Hepza cũng làm việc với các quận huyện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng những KCN hiện hữu, cũng như đẩy nhanh xây dựng những KCN mới. Hiện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư KCN Phạm Văn Hai với tổng diện tích 668ha, nhằm tạo dư địa quỹ đất để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Mặt khác, đề xuất UBND TP thành lập công ty đầu tư hạ tầng của nhà nước để quyết định giá cho thuê đất, thay cho tình trạng hiện nay là các công ty đầu tư hạ tầng tư nhân nên họ phải tính giá cho thuê đất rất cao và cơ quan nhà nước không thể can thiệp được. 
Riêng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hepza đã làm việc với KCN Hiệp Phước quy hoạch 15 lô đất với diện tích nhỏ 750 - 3.000m2 và nhà xưởng (350m2) với giá cho thuê hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Hiện 13 lô đã có doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch.
Ngoài ra, Hepza đang làm việc với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng tại các KCX-KCN Đông Nam, Linh Trung, Tân Thuận. Cùng với đó, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo nâng cấp dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao vị thế cạnh tranh của thành phố trong thời gian tới. Được biết, năm 2017, chỉ tiêu thành phố đặt ra cho Hepza là thu hút đầu tư đạt 500 triệu USD và kim ngạch xuất nhập khẩu phải đạt 6 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục