TPHCM: Thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ đi vào chiều sâu

TPHCM: Thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ đi vào chiều sâu

Khoa học công nghệ (KH-CN) được xác định là yếu tố quan trọng, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Tuy nhiên, việc đo lường và đánh giá cụ thể tác động của KH-CN lâu nay vẫn còn dựa vào cảm tính. Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Sở KH-CN TPHCM đã hoàn thành đề tài nghiên cứu về đóng góp của các yếu tố tổng hợp (TFP) vào chất lượng tăng trưởng. Kết quả đó làm cơ sở cho TP xác định mục tiêu phát triển kinh tế thời gian tới. Dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH-CN TP Phan Minh Tân để làm rõ những kết quả từ nghiên cứu trên.

Khoa học - công nghệ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế TPHCM.

Khoa học - công nghệ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế TPHCM.

- PV: Xin ông cho biết vai trò của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong mô hình phát triển kinh tế TPHCM hiện nay?

>> Ông PHAN MINH TÂN: Theo các nhà kinh tế, TFP là cách đo lường năng suất của cả vốn và lao động cùng một lúc trong nền kinh tế. Lâu nay, việc đo lường năng suất thường chỉ thực hiện đo chỉ số các yếu tố hữu hình (vốn, máy, nguyên liệu…) mà chưa tính đến đóng góp của phần vô hình (tri thức con người, trình độ quản lý, sở hữu trí tuệ…).

Nói đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, ngoài tốc độ tăng GDP, năng suất TFP cao là yếu tố hàng đầu. Nghiên cứu đã chứng minh, yếu tố KH-CN ảnh hưởng 74% đến tốc độ tăng trưởng TFP thông qua 3 nhân tố chính là cơ cấu vốn, chất lượng lao động và tiến bộ kỹ thuật. Kinh tế thế giới khó khăn, nguồn vốn đầu tư ngày càng giảm, chất lượng lao động chưa tăng nhiều, việc đầu tư cải tiến kỹ thuật nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp tăng chỉ số TFP, qua đó, gián tiếp đóng góp vào nền kinh tế chung. Hiện nay, tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của các nền kinh tế phát triển vượt trên 40%.

- Tuy nhiên, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM vẫn nhận định KH-CN chưa có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế. Với kết quả nghiên cứu mới đây, ông có ý kiến gì?

Không thể phủ nhận TPHCM đã ưu tiên đầu tư phát triển cho KH-CN. Bằng chứng, từ năm 2000 đến nay, TP đã triển khai 17 chương trình nghiên cứu KH-CN, 15 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với hàng trăm đề tài, dự án KH-CN mỗi năm và đạt tỷ lệ 34% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế. Giai đoạn 2011 - 2013, TP chi đầu tư KH-CN 1.442 tỷ đồng, chiếm 0,24% tổng GDP TP (khoảng 595.000 tỷ đồng). Theo Cục Thống kê, trong giai đoạn này, các hoạt động KH-CN đã đóng góp vào GDP TPHCM khoảng 5,23% (tương đương 31.119 tỷ đồng). Như vậy, đầu tư cho KH-CN 0,24% GDP để tạo ra 5,23% GDP, đạt lợi nhuận gấp hơn 21 lần.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra tăng trưởng kinh tế TP thời gian qua dựa quá nhiều vào các yếu tố hữu hình. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư cho KH-CN hiện khá thấp (0,24% GDP), thấp hơn mức bình quân cả nước (0,9%) và các nước lân cận như Trung Quốc (2,2%) và Hàn Quốc (4,5%). Tốc độ đổi mới công nghệ rất thấp, vốn mua sắm chỉ bổ sung được 1/4 lượng hao mòn tài sản. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp còn khiêm tốn… Tất cả con số này chỉ ra rằng KH-CN TP chưa thể phát triển nhanh được.

- Nghĩa là, muốn phát triển KH-CN, từ đó tăng chỉ số TFP, bắt buộc TP phải tăng vốn đầu tư?

Vốn luôn cần cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với mặt bằng nước ta hiện nay, không thể trông chờ quá nhiều vào “bầu sữa” nhà nước. Nguồn đầu tư phải đến từ DN và xã hội. DN đầu tư đổi mới công nghệ là để tăng sức cạnh tranh của họ trên thị trường. Đây được xem là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc đầu tư còn tồn tại nhiều lý do. Trước hết, mức đầu tư của nhà nước vẫn chưa bằng so với các nước trong khu vực. Thứ hai, nguồn chủ yếu hiện nay vẫn từ nhà nước (hơn 70%), trong khi DN đầu tư cho nghiên cứu công nghệ rất ít.

Năm vừa qua, Sở KH-CN đã vận động các DN thành lập quỹ phát triển KH-CN theo chủ trương của Chính phủ. Đến nay đã có 49 DN chấp nhận thành lập quỹ, 26 DN trích lập được quỹ với số tiền 346,8 tỷ đồng. Trong đó, 117,8 tỷ đồng (chiếm 33,9%) đã được chi đầu tư cho đổi mới công nghệ và thiết bị… ngay tại DN. Dự kiến, nếu tất cả DN đều chủ động thành lập quỹ, tổng kinh phí có thể đạt từ 1,5 - 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Sở KH-CN sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động để gắn kết viện, trường nghiên cứu với DN. Làm tốt được điều này sẽ giúp các đề tài nghiên cứu dễ dàng ứng dụng sau khi nghiên cứu thành công. Giảm dần các đề tài nghiên cứu xong “cất vào ngăn kéo” như chúng ta vẫn hay nói đến trong thời gian qua.

- Trong thời gian tới, việc nghiên cứu và đánh giá các chỉ số tăng trưởng kinh tế sẽ được Sở KH-CN tiếp tục thực hiện?

Vừa qua, Sở KH-CN đã có tính toán chỉ số năng suất TFP cho 6 ngành, bao gồm 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 2 ngành phát triển nổi bật tại TPHCM là dệt may và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đây chỉ là bước tính toán thử nghiệm. Bởi nếu tính toán chung cả ngành lớn thường cho kết quả chưa thật sự chính xác. Đơn cử như ngành dệt may, lâu nay chúng ta vẫn xem dệt may như  ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao. Nhưng nếu lấy một phân ngành nhỏ là thiết kế thời trang thì đây lại là lĩnh vực có chỉ số TFP cao vượt trội. Ngược lại, ngành điện tử đóng góp lớn vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng một phân ngành nhỏ trong đó là sản xuất ti vi, hàng điện tử vẫn là lĩnh vực mang nặng tính lắp ráp, vốn thâm dụng lao động. Sắp tới đây, Sở KH-CN sẽ xây dựng đề tài nghiên cứu để lựa chọn cách tính TFP cho các ngành chủ lực của TP. Từ đó, lựa chọn một số phân ngành có chỉ số TFP cao để đầu tư phát triển mạnh hơn nữa. Qua đó, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế TP từ chiều rộng sang chiều sâu.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục