TPHCM thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao

Ngày 24-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ứng dụng công nghệ cao. 

Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu là chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Các ý kiến đề xuất tại hội thảo tập trung vào việc cần thiết tạo lập hệ sinh thái cộng sinh, hỗ trợ DN công nghệ ứng dụng công nghệ cao để gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TPHCM thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao ảnh 1 Các đại biểu tham quan sản phẩm của các doanh nghiệp CNHT TPHCM

4 yếu tố cốt lõi

Nhìn nhận về thực trạng kinh tế TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, ngành công nghiệp - CNHT là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Vai trò quan trọng đó được thể hiện qua giá trị sản xuất công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước; bên cạnh đó, đóng góp 23% GRDP thành phố.

Trên thực tế, nhiều sản phẩm CNHT của DN thành phố trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate. Hay như trường hợp Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty CP CNHT Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung, Công ty Cao su TNHH MTV Thống Nhất và Công ty TNHH CNS Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô và những công ty khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về CNHT.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ngành CNHT TPHCM còn nhiều bất cập, GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) phân tích: CNHT chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với công nghệ đơn giản, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tính liên kết giữa các DN chưa cao. Bên cạnh đó, việc phân bổ mặt bằng sản xuất, quỹ đất dành cho công nghiệp - CNHT chưa phù hợp với nhu cầu DN và chưa khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của ngành nói chung và các DN nói riêng. Các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCX-KCN) hiện hữu của thành phố chậm chuyển đổi mô hình hoạt động, còn thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu, nhất là chưa tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển CNHT.

Trước thực tế đó, tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan đã đề nghị các chuyên gia, DN tập trung thảo luận về 4 yếu tố cốt lõi trọng điểm cần thiết để hoàn thiện “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao”. Đó là  các vấn đề: kinh nghiệm kêu gọi thu hút đầu tư; mô hình hoạt động, vận hành; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ chế, chính sách cần thiết cho việc hình thành, quản lý hoạt động; vai trò của các DN đầu tư nước ngoài và các DN sản xuất trong nước trong việc tham gia đầu tư và hoạt động tại “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao”.

Xây dựng “bo mạch chủ” cho cụm ngành CNHT

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, nhiều KCX-KCN của thành phố đã hoàn thành sứ mệnh và cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu hướng mới. Dù là KCN mới hay cũ đều phải chuyển đổi theo hướng KCN sinh thái, thân thiện với môi trường. Đây là yếu tố then chốt bởi các DN FDI đang hướng đến yếu tố bền vững. Do vậy, họ đòi hỏi DN cung ứng thứ cấp cũng phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Có chính sách hình thành hệ sinh thái mạng lưới cung ứng sản phẩm CNHT giữa DN trong và ngoài KCN để giảm chi phí đầu vào và đầu ra, từ đó gia tăng nội lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN FDI. Riêng về phía DN cũng cần phải chuyển đổi công nghệ sản xuất gắn với chuyển đổi số.

Ở góc độ khác, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh, cần xây dựng “bo mạch chủ” cho cụm ngành CNHT ứng dụng công nghệ cao của TPHCM. Một “bo mạch chủ” phải bao gồm tổng thể các chính sách về đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển, các hoạt động đầu tư, cung ứng cơ sở hạ tầng và năng lượng, phải thúc đẩy thương mại hóa và các hoạt động kinh tế mang tính cạnh tranh, phải có luật để điều tiết, có chính sách thuế và trợ cấp để tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo và chuyển đổi số...

Đại diện doanh nghiệp nước ngoài, Giám đốc Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc Byun Ki Jung nhấn mạnh thêm, ngoài những chính sách hỗ trợ vốn, chi phí đầu tư, mặt bằng cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo chi phí nghiên cứu. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, thành phố cần tăng cường sự ổn định cung cấp nguyên vật liệu nội địa, mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng mô hình hợp tác toàn cầu và hỗ trợ tạo ra khu phức hợp chuyên biệt cho CNHT.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chỉ đạo Sở Công thương cùng Ban Quản lý KCX-KCN tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, hiệp hội, nhà đầu tư lớn, các cơ quan quản lý nhà nước và nhanh chóng tham mưu UBND TPHCM đề án hình thành “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao” tại TPHCM.

Đồng thời, tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà đầu tư để tiếp tục tham vấn ý kiến trong quá trình vận hành “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao”.

Tin cùng chuyên mục