TPHCM thực hiện Chỉ thị 16: Tăng 50% lượng hàng hóa dự trữ

Trước thời điểm TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, các doanh nghiệp (DN) chế biến lương thực thực phẩm đã tăng công suất sản xuất lên 50%, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân trong vòng 6 tháng tới.

Đảm bảo cung ứng nhu cầu thiết yếu

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, đối với nhóm mì ăn liền, các DN cam kết sản lượng luôn dồi dào. Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định năng lực sản xuất của công ty có thể tăng 30%-50% so với bình thường.

Hiện công ty sản xuất ổn định khoảng 3 tỷ gói mì, đủ cung ứng cho thị trường đến cuối năm và có thể tăng lên 4,5 tỷ gói nếu như nhu cầu sử dụng tăng cao thời gian tới. Dù không phải là DN tham gia chương trình bình ổn nhưng DN cam kết sẽ không tăng giá nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, các DN thành viên cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục bình ổn. Cụ thể, Công ty CP Ba Huân cam kết cung ứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng. Trong đó, mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm sẽ đảm bảo đủ cung ứng và giữ giá bình ổn trong 3 tháng tới. Với nhóm thịt heo tươi sống, các DN cũng khẳng định cung ứng đầy đủ.

Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết thêm, các sản phẩm như đồ hộp, xúc xích tiệt trùng, sản lượng dự trữ đủ cung ứng trong 3 tháng. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường 15-30 ngày. Các mặt hàng lương thực như gạo, dù giá lúa gạo đang cao nhưng các DN vẫn duy trì lượng tồn kho lớn, sản lượng gạo dự trữ đảm bảo cung ứng đến cuối năm và giữ giá bán theo mức hiện tại.

Ghi nhận thực tế tại Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn tại quận Bình Tân cho thấy, hơn 400 công nhân làm việc tại 6 nhà máy vẫn đang tích cực tham gia sản xuất. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc công ty, cho biết, việc phân chia nhỏ công nhân thành nhiều nhà máy sẽ ngăn nguy cơ bị đứt gãy sản xuất nếu chẳng may có trường hợp mắc Covid-19. Còn về hàng hóa thiết yếu cung ứng, trong tuần qua, lượng đơn hàng công ty nhận được của hệ thống phân phối có tăng hơn bình thường nhưng so với công suất của nhà máy thì không đáng kể. Với lượng đơn hàng hiện tại chỉ đủ để công ty hoạt động 1 ca hoặc cao lắm 2 ca/ngày.

TPHCM thực hiện Chỉ thị 16: Tăng 50% lượng hàng hóa dự trữ ảnh 1 Công nhân Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn tích cực sản xuất, tăng nguồn hàng hóa cho thị trường trong nước

Công ty cũng đang trữ trong kho 2.000 tấn thực phẩm các loại như hàng cấp đông, mặt hàng khô, nước mắm các loại, sản phẩm chế biến… đủ cung ứng ra thị trường vài tháng tới. Riêng sáng 8-7, công ty đã nhập thêm 2.000 thùng cá biển các loại để cung ứng cho hệ thống phân phối, siêu thị. Phương án này cũng đã được công ty chuẩn bị trước khi có thông tin sẽ đóng cửa tạm thời chợ đầu mối Bình Điền.

Tương tự, nhiều DN cho biết, đã chủ động tăng cường kho đông lạnh để trữ, tiếp nhận hàng thủy hải sản, cá biển. Phương án này đã được các công ty chuẩn bị từ tuần trước và hiện nguồn hàng phong phú. Đặc biệt, lượng cá đồng, cá nuôi rất dồi dào và luôn sẵn có. Trong trường hợp thị trường trong nước thực sự thiếu hàng thì các DN chủ động có kế hoạch để điều chuyển nguồn hàng xuất khẩu sang ưu tiên cung ứng nguồn hàng trong nước.

Nỗ lực ổn định giá bán

Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh. Giá các loại gia vị, phụ gia nhập khẩu tăng 5%-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng 15%-70%, bao bì tăng 10%-15%... Các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường cũng tăng 5%-20%. Các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu… tăng 15%-20%.

Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu tiếp tục tăng, đang đẩy giá xăng trong nước đi lên đã khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên. Tất cả các yếu tố này đã làm tăng chi phí sản xuất của ngành chế biến thực phẩm. Hiện tại, các DN thành viên của hội cam kết tạm thời vẫn giữ giá cũ và nguồn dự trữ đảm bảo cung ứng trong 3 tháng. Tuy nhiên, khi nguồn nguyên liệu dự trữ hết thì tự thân các DN sẽ rất khó xoay xở để giữ ổn định giá bán hàng. Khi đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

TPHCM thực hiện Chỉ thị 16: Tăng 50% lượng hàng hóa dự trữ ảnh 2 Kho trữ lạnh Satra, Khu thương mại Bình Điền đầy đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Ngoài ra, theo bà Lý Kim Chi, bất cập nhất hiện nay là tình trạng yêu cầu trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Chi phí xét nghiệm cao trong khi giá trị sử dụng chỉ khoảng 3 ngày - không đủ cho nhân viên, tài xế quay vòng đầu xe.

Cũng phải nói thêm, với đặc thù ngành, các mặt hàng thịt tươi sống giết mổ hàng ngày (bao gồm thịt gia súc, thịt gia cầm) đều được DN nuôi và giết mổ từ các cơ sở ở tỉnh lân cận nên phụ thuộc rất lớn vào khâu vận chuyển từ các tỉnh về TPHCM. Nếu khâu vận chuyển bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa của DN sản xuất lương thực thực phẩm.

Từ đó, trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố. Do đó, để sản lượng cung ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu thị trường, việc đảm bảo vận chuyển nguyên liệu thuận lợi giữa các tỉnh về TPHCM và ngược lại là vô cùng quan trọng, cấp thiết.

Có thể thấy, các DN chế biến lương thực thực phẩm đã tập trung duy trì sản xuất bình thường, ổn định trong điều kiện đã kích hoạt và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân. Đây là cơ sở để DN tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trong cộng đồng xã hội, góp phần cùng chính quyền thành phố chống dịch hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục