TPHCM: Thưởng tết Tân Mão cao nhất 532 triệu đồng

* Hà Nội thưởng tết cao nhất 72,9 triệu đồng

* Hà Nội thưởng tết cao nhất 72,9 triệu đồng
Chiều 27-12, Sở LĐTB-XH TPHCM đã báo cáo nhanh về tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết Tân Mão của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, mức thưởng tết cao nhất năm nay tăng 68% so với năm ngoái.

Thưởng tết: Chênh lệch 591 lần

Theo báo cáo của Sở LĐTB-XH TPHCM, mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Mão cao nhất năm nay thuộc về khối doanh nghiệp ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN). Theo đó, doanh nghiệp có mức thưởng tết cao nhất năm nay thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức thưởng 532 triệu đồng/người (tăng 68% so với năm 2010). Mức thưởng tết thấp nhất trong các doanh nghiệp FDI là 1,936 triệu đồng/người và mức bình quân chung là 3,028 triệu đồng/người (tăng 9,27% so với năm 2010). Đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, mức thưởng cao nhất là 70 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân là 6,5 triệu đồng/người. Doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước mức thưởng cao nhất 350 triệu đồng/người và mức bình quân là 4,95 triệu đồng/người (tăng 14,7%). Năm nay, mức thưởng của các doanh nghiệp dân doanh thấp hơn năm ngoái với mức thưởng cao nhất là 150 triệu đồng/người (năm ngoái là 151,2 triệu đồng/người), thấp nhất 1,936 triệu đồng/người và mức thưởng bình quân đạt 3,41 triệu đồng/người (tăng 27%).

Đối với doanh nghiệp trong KCX-KCN, mức thưởng tết cao nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là 376,8 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là 900.000 đồng/người và mức bình quân là 1,9 triệu đồng/người. Trong khi đó mức thưởng cao nhất của doanh nghiệp FDI trong KCX-KCN chỉ 120 triệu đồng và mức thưởng bình quân là 1,6 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất 1,2 triệu đồng/người.

Các doanh nghiệp cũng thông báo mức thưởng dành riêng cho Tết Dương lịch. Theo đó, với doanh nghiệp nhà nước mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người (bằng với mức năm ngoái), mức bình quân là 3,11 triệu đồng/người (tăng 18%). Đối với doanh nghiệp cổ phần mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 45 triệu đồng/người (tăng 12% so với năm ngoái). Doanh nghiệp dân doanh mức thưởng tết cũng cao hơn năm ngoái 8,7% (mức cao nhất 100 triệu đồng, thấp nhất 288.000 đồng). Doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất giảm 49%. Nếu như năm ngoái mức thưởng cao nhất đạt 763 triệu đồng/người thì năm nay mức thưởng chỉ còn 390 triệu đồng/người.

Nếu so sánh giữa mức cao nhất 532 triệu đồng/người và mức thấp nhất 900.000 đồng/người, dễ nhận thấy tiền thưởng Tết Tân Mão chênh lệch trên 591 lần.

Tiền lương: Cao nhất 377 triệu đồng/tháng

Về tiền lương năm 2010, theo Sở LĐTB-XH TPHCM, đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước mức lương cao nhất là 40 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 2,734 triệu đồng/người/tháng. Lương bình quân khối trực tiếp sản xuất là 5 triệu đồng/người; bình quân khối văn phòng 6,7 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước mức lương cao nhất là 150 triệu đồng/người/tháng, mức bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất của doanh nghiệp dân doanh là 100 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 1,57 triệu đồng/người và bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất trong doanh nghiệp FDI là 377 triệu đồng/người/tháng, mức bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi hầu hết DN đều có mức thưởng bình quân 1 tháng lương thì tại huyện Cần Giờ, Công ty TNHH Ưng Thuận Phát thưởng 2 tháng lương đối với CNLĐ làm việc tại công ty từ 2 năm trở lên. Riêng CN đang thử việc được thưởng 500.000 đồng/người. Một số DN dù làm ăn khó khăn vẫn cố gắng thưởng tết cho NLĐ. Điển hình như Công ty TNHH Long Hòa, dù sản xuất đình đốn do máy móc hư hỏng vẫn có kế hoạch thưởng tết cho NLĐ từ 200 ngàn - 2,6 triệu đồng/người. Công ty CP Đầu tư xây dựng Mỹ Hoang thưởng lương tháng 13 với mức từ 3 - 4,5 triệu đồng/người.

Theo thông tin từ LĐLĐ huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện, CN nếu có thời gian làm việc đủ 12 tháng thì được thưởng bình quân 1 tháng lương (tính theo mức lương tối thiểu) và mức tiền thưởng được tăng lên tùy theo thâm niên làm việc. UBND cấp phường, xã có mức thưởng cao nhất là 1,1 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng/người (đối với người chưa làm đủ 1 năm), bình quân 650.000 đồng/người. Tại quận 6, mức thưởng tết cao nhất của khối ngoài nhà nước là 15 triệu đồng/người (Công ty Mê Trần).

Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng cao nhất là 32 triệu đồng, mức thấp nhất 2,48 triệu đồng, bình quân 6,97 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp nhà nước, mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng, mức thấp nhất 2,5 triệu đồng, bình quân 4,2 triệu đồng. Tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, mức thưởng tết dự kiến của các đơn vị trực thuộc bình quân 2 - 3 tháng lương.

Hồ Thu – Mai Hương

Hà Nội thưởng tết cao nhất 72,9 triệu đồng

Hôm qua (27-12), Sở LĐTB-XH TP Hà Nội đã có báo cáo sơ bộ về tình hình lương và tiền thưởng Tết Tân Mão của 4 loại hình doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, mức tiền thưởng tết cao nhất tại Hà Nội là 72,9 triệu đồng, thuộc một doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần - nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tiền thưởng tết bình quân đạt 3,35 triệu đồng/người. Người lao động có mức thưởng tết cao nhất là 40 triệu đồng và thấp nhất 200.000 đồng.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần mức thưởng tết bình quân là 3,84 triệu đồng/người. Trong đó, người có mức thưởng cao nhất là 72,9 triệu đồng, người thấp nhất là 500.000 đồng.

Đối với doanh nghiệp dân doanh, mức tiền thưởng tết bình quân chỉ có 1,76 triệu đồng/người - giảm 3,6% so với năm 2009. Nguyên nhân vì sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thưởng tết bình quân đạt hơn 4,2 triệu đồng/người. Trong đó người có mức thưởng cao nhất là 72,72 triệu đồng, còn người có mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng.

V.Phúc

Tin cùng chuyên mục