Ngày 14-6 tại TPHCM, lãnh đạo của TPHCM và Rotterdam (Hà Lan) đã tổ chức hội thảo: TPHCM tiến ra biển Đông và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hội thảo đã nghe báo cáo kinh nghiệm thích ứng với BĐKH của thành phố (TP) Rotterdam và góp ý với TPHCM trong chiến lược tiến ra biển Đông.
Bài học của Rotterdam
TP Rotterdam có khá nhiều nét tương đồng với TPHCM, cũng nằm sát ven biển và cũng có một diện tích đất khá lớn thấp hơn mực nước biển. Cách nay nhiều năm, hệ thống cảng biển của Rotterdam cũng nằm sâu trong đất liền và hiện nay đã buộc phải tiến ra biển để phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân. Rotterdam cũng từng gặp những thách thức như TPHCM hiện nay.
Theo ông Amoud Molenoar, Giám đốc phụ trách chương trình thích ứng với BĐKH của Rotterdam, TP này đã nhận thức được rằng “phải hành động” nếu muốn phát triển bền vững và xây dựng một TP tươi đẹp. Và bước đi đầu tiên của TP Rotterdam chính là lập một quy hoạch bền vững trên cơ sở tích hợp tất cả các dữ liệu, các mục tiêu phát triển của các ngành liên quan. TP Rotterdam đã xây dựng nhiều cống ngăn triều, đê thông minh… để điều hòa lũ. Các công trình nhà ở, công viên… cũng được tính toán trên cơ sở “sống chung” với nước. Đó là những ngôi nhà nổi trên nước với mái nhà có cây xanh bao phủ và các công viên nước cho mọi người vui chơi.
Một công thức chung cho thích ứng với BĐKH của Rotterdam là: quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH + quy hoạch không gian hài hòa = cơ hội phát triển. Ông Amoud Molenoar cũng cho biết, nguồn lực để thực thi sự phát triển này là sự hợp sức giữa nhà nước và tư nhân. Nhà nước tạo cơ chế hấp dẫn cho khối tư nhân tham gia đầu tư.
Rotterdam có một hệ thống cảng biển khổng lồ với khoảng 30km bến cảng. Tuy nhiên, TP này còn có tham vọng lấn ra biển để xây dựng thêm khoảng 10km bến cảng biển. Cũng như TPHCM, hoạt động cảng biển đóng một vai trò rất lớn trong sự phát triển của Rotterdam.
Theo ông Tiedo Vellinga, đại diện cho đơn vị quản lý hệ thống cảng biển ở Rotterdam, giải pháp để giúp hệ thống cảng biển này hoạt động hữu hiệu trong bối cảnh BĐKH là xây hệ thống đập ngăn lũ đóng, mở và đập ngăn lũ không cho sóng từ biển tấn công vào cảng.
Vấn đề của TPHCM
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín: Sẽ xây dựng bước đi thích hợp Trong quy hoạch chung xây dựng TPHCM, các vấn đề về phát triển bền vững như chống ngập nước, kẹt xe… đều đã được đề cập tới. Tuy nhiên, triển khai cụ thể các nội dung ấy như thế nào vẫn chưa được xác định rõ do các quy hoạch này về cơ bản vẫn là các quy hoạch chung, mang tính chất định hướng. Trong thời gian sắp tới, TPHCM sẽ làm việc với các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam, xây dựng các bước đi cụ thể, cách triển khai quy hoạch trên cơ sở thực tế phát triển của TPHCM. TPHCM chắc chắn phải tiến ra biển vì kinh tế biển có một vai trò rất lớn trong hoạt động kinh tế của TP. Tất nhiên, động thái này sẽ được tính toán trên cơ sở thích ứng với BĐKH. |
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý với TP Rotterdam, nhưng TPHCM lại có điểm xuất phát rất khác. TPHCM đang trong quá trình phát triển nên nguồn lực tài chính cũng như nhân sự để thực thi những vấn đề về thích ứng với BĐKH còn rất hạn hẹp. Hơn nữa, theo ông Ngô Quang Mãnh, Giám đốc Khu đường sông: TPHCM không chỉ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng mà còn bị ảnh hưởng bởi lũ từ thượng nguồn xuống. Chế độ thủy triều của TPHCM cũng rất khác Rotterdam, đó là chế độ bán nhật triều (nước triều lên xuống 2 lần mỗi ngày). Do vậy, nếu sử dụng hệ thống đê đóng, mở như Rotterdam với thời gian mỗi lần đóng, mở là 8 giờ sẽ không khả thi.
TPHCM cũng đã có quy hoạch xây dựng chung trên cơ sở tích hợp nhiều đồ án quy hoạch ngành và đặt trong bối cảnh phát triển vùng TPHCM. Đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 và theo đó cost xây dựng chung là 2,5m.
Theo Phân viện Quy hoạch đô thị phía Nam, đây là cao độ đã được tính toán tới khả năng BĐKH và giải pháp của TPHCM trong việc thực hiện cao độ này là: thực hiện trước ở các khu đô thị mới, đặc biệt là các đô thị nằm ở hướng Nam - hướng ra biển của TP để chống ngập. Những khu đô thị cũ đã xây dựng, chưa có điều kiện thực hiện mà thấp hơn cao độ này sẽ được khoanh vùng bảo vệ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cũng khẳng định, bên cạnh việc điều chỉnh lại cao độ xây dựng để chống ngập do triều và mưa, bộ cùng UBND TPHCM đã có tính toán điều hòa lũ trong điều kiện lũ tràn từ thượng nguồn về. Theo đó, sẽ dùng giải pháp đê để điều hòa lũ theo 2 hướng: ra sông Thị Vải và khu vực Nông trường Lê Minh Xuân, để bảo vệ TP.
Bước đi mang tính tổng thể của TPHCM trong thích ứng với BĐKH, chống ngập nước về cơ bản không khác bước đi tổng thể của TP Rotterdam. Nhưng như nhiều chuyên gia Việt Nam tâm tư, vấn đề hiện nay của TPHCM là chưa có các bước đi cụ thể và sự phối hợp thực hiện giữa các ban ngành còn nhiều bất cập. Đó là chưa kể đến chất lượng các đồ án quy hoạch của TPHCM còn hạn chế, đặc biệt công tác quản lý thực thi quy hoạch còn nhiều yếu kém. Theo nhiều chuyên gia Việt Nam, đây chính là điều mà TPHCM nên học hỏi và điều chỉnh.
Nguyễn Khoa