TPHCM triển khai 4 chương trình bình ổn giá

Nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân thành phố, góp phần tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, UBND TPHCM đã ban hành 4 kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trong năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013.
TPHCM triển khai 4 chương trình bình ổn giá

Nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân thành phố, góp phần tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, UBND TPHCM đã ban hành 4 kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trong năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013.

Theo đó, năm 2012 thành phố triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường là chương trình lương thực – thực phẩm, mùa khai trường, bình ổn thị trường các mặt hàng sữa và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Tổng số doanh nghiệp tham gia là 48, tăng 12 doanh nghiệp so với năm 2011. Trong đó, 29 doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ của chương trình, 17 doanh nghiệp nhận hỗ trợ một phần vốn và 2 doanh nghiệp nhận vốn hoàn toàn của chương trình.

Các doanh nghiệp nhận vốn hỗ trợ chủ yếu thuộc các chương trình bình ổn thị trường cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai trường. Riêng các doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng sữa và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu không nhận vốn hỗ trợ từ chương trình.

Tổng nguồn vốn thực hiện tại hai chương trình lương thực, thực phẩm và mùa khai trường là 288,6 tỷ đồng, giảm 148,7 tỷ đồng so với năm 2011.

Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, trong thời gian tới, nguồn hàng bình ổn ưu tiên cho các mạng lưới phân phối và tổ chức bán hàng lưu động tại các khu vực quận ven, huyện ngoại thành, chợ truyền thống, khu chế xuất, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học và các bếp ăn tập thể. Ngoài ra, vận động thêm các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích tham gia nhận và phân phối hàng hóa của chương trình.

Cụ thể, các mặt hàng tham gia bình ổn là:

Giảm 5%-10% giá sữa và thuốc

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, có tính kinh tế, kỹ thuật và xã hội cao không thể thiếu trong chẩn đoán, dự phòng và điều trị nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. 10 doanh nghiệp đã tham gia nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, cân đối cung cầu trong một số mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các mặt hàng dược mở rộng lên 13 nhóm, 53 hoạt chất, 70 mặt hàng thuốc sản xuất trong nước đặc trị cho các bệnh thông thường như giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, đau dạ dày, kháng sinh, trị ho, tim mạch, tiểu đường. Thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WTO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc hoặc nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao. Giá bán các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất là 5%-10%. Thời gian thực hiện từ ngày 1-4-2012 đến 31-3-2013.

Riêng với mặt hàng sữa - luôn là một sản phẩm quan trọng và thiết yếu đối với nhu cầu người tiêu dùng, nhất là với người già, người bệnh, trẻ em và phụ nữ mang thai. Việc giá sữa liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng đáng kể. Xuất phát từ thực tế đó, chương trình bình ổn thị trường mặt hàng sữa gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giúp người tiêu dùng tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm sữa trong nước có chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả phù hợp.

Theo đó, các mặt hàng sữa tham gia gồm 2 nhóm sản phẩm (sữa bột và sữa nước) với 6 dòng sản phẩm: sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho người cao tuổi, người bệnh, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng (sữa bột dành cho người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường), sữa dinh dưỡng dành cho gia đình và sữa dinh dưỡng bổ sung vi chất (sữa nước).

Tổng số lượng tham gia chương trình gần 11.000 tấn/năm, chiếm 30%-35% nhu cầu tiêu dùng của thị trường thành phố. Hai công ty tham gia chương trình bình ổn giá sữa là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood). Công ty được điều chỉnh giá bán khi chi phí đầu vào tăng 15% và giảm giá khi giá thị trường giảm 5%.

Đa dạng chủng loại sản phẩm mùa khai trường và lương thực thực phẩm

Mùa khai trường cũng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm như đồng phục, đồ dùng và dụng cụ học tập cho các em học sinh, sinh viên thành phố tăng cao. Có 3 nhóm hàng sẽ được bán với thấp hơn giá thị trường 15% so với những sản phẩm cùng loại, chất lượng. Cụ thể: tập học sinh 17,5 triệu quyển; đồng phục học sinh 590.000 bộ và 670.000 cái ba lô.

Với lương thực thực phẩm, năm 2012 sẽ có 9 nhóm hàng tham gia bình ổn với giá thành thấp hơn giá thị trường 5%-10%, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản. Về chủng loại hàng hóa cũng được bổ sung đa dạng và phong phú hơn như thêm loại đường RS thay vì chỉ RE năm 2011, dầu ăn Co.op, Vạn Hảo, haopy Koki; Với gạo, ngoài nhóm gạo thường 5% tấm và gạo trắng thơm, sẽ bổ sung thêm gạo Jasmin… Lượng hàng tham gia bình ổn tiếp tục chiếm thị phần 25%-30% trong tháng thường và 30% - 40% thị trường tết

Có  thể nói, chương trình bình ổn giá là một trong nhiều giải pháp đã và đang góp phần giúp giảm nhẹ gánh nặng lạm phát lên đời sống người dân. Do vậy, với những doanh nghiệp tham gia, UBND TP tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ họ. Đơn cử như doanh nghiệp được thành phố cho vay không tính lãi; được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với các sản phẩm và các điểm bán hàng bình ổn thị trường của đơn vị đăng Lý khi tham gia chương trình.

Hiện UBND TP cũng giao Sở Công thương là cơ quan thường trực của chương trình, có trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch trình UBND TP và tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời chủ trì phối hợp với các sở ban ngành liên quan công khai thông tin đăng ký để đến mọi doanh nghiệp để vận động doanh nghiệp tham gia; kiểm tra lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường. Đặc biệt là cung cấp danh sách cửa hàng bán hàng bình ổn đến mọi tầng lớp nhân dân để họ biết và mua sắm…

MINH LAN

Tin cùng chuyên mục