Đưa nghị quyết đại hội đảng bộ TPHCM lần thứ IX vào cuộc sống

TPHCM triển khai 6 chương trình đột phá. Bài 1: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Nâng cao chất lượng tăng trưởng

LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra 6 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 (gồm cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ngập nước; giảm ùn tắc giao thông). Từ nội dung này, các cấp các ngành đang tổ chức triển khai quyết liệt nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thực tế, trong những năm qua, nội dung của các chương trình này đã được thực hiện từng bước, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội TP. Để làm rõ hơn những chuyển biến tích cực trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống tại thành phố mang tên Bác, Báo SGGP xin giới thiệu loạt bài về các chương trình này.
TPHCM triển khai 6 chương trình đột phá. Bài 1: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - Nâng cao chất lượng tăng trưởng

LTS: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đã đề ra 6 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 (gồm cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ngập nước; giảm ùn tắc giao thông). Từ nội dung này, các cấp các ngành đang tổ chức triển khai quyết liệt nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thực tế, trong những năm qua, nội dung của các chương trình này đã được thực hiện từng bước, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội TP. Để làm rõ hơn những chuyển biến tích cực trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống tại thành phố mang tên Bác, Báo SGGP xin giới thiệu loạt bài về các chương trình này.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong 6 chương trình đột phá để TPHCM phát huy vị trí, vai trò cũng như thể hiện đầu tàu kinh tế của cả nước. Đây là con đường ngắn nhất để TPHCM phấn đấu trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Để thực hiện thành công, ngoài việc xác định đúng các nhóm ngành, dịch vụ cần được đầu tư, hỗ trợ, còn đòi hỏi sự kiên trì và nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện.

TPHCM cần tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM cần tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn. Ảnh: CAO THĂNG

Kiên trì chuyển đổi mô hình kinh tế

Hơn 10 năm trước, khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, lãnh đạo chính quyền cũng như các chuyên gia kinh tế đều xác định phải chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển chiều rộng sang chiều sâu; chuyển dần các ngành công nghiệp có thâm dụng lao động sang nhóm ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật trong cơ cấu sản phẩm. Theo đó, dịch vụ cũng được xác định là ngành phải chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP.

Để thực hiện được các mục tiêu này, năm 2001 TPHCM chính thức triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện cho đến nay. Hầu hết các đánh giá, nhận định về chương trình đều cho rằng việc chuyển dịch và cần thiết là đang tiến triển đúng hướng. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch giữa các nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ diễn ra còn chậm. Nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra.

Th.S Cao Minh Nghĩa, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ ra rằng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM chưa được như mong muốn xét về mặt chủ quan là do các giải pháp chưa đồng bộ và đủ mạnh. Mặt khác, hiệu quả kinh doanh thấp, năng suất lao động của ngành dịch vụ không cao nên thu hút đầu tư xã hội chưa nhiều. Và kết quả là tăng trưởng chậm.

Nói cách khác, tổng các yếu tố năng suất của các ngành, dịch vụ trong chương trình còn yếu do nhiều doanh nghiệp (DN) đang rơi vào tình trạng thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, trình độ công nghệ chưa được cải thiện...

Còn một yếu tố rất quan trọng khác, đó là hiệu quả đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR còn rất cao (khoảng 4%), tỷ lệ vốn trên GDP hiện chiếm đến 40% đã và đang kéo lùi tốc độ tăng trưởng cũng như giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp chủ lực và dịch vụ. GDP của các ngành dịch vụ cao cấp trong những năm qua vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trừ ngành tài chính và tín dụng đã tăng nhanh (từ 3,18% năm 2000 lên 12,01% năm 2009), những ngành khác đều tăng chậm, thậm chí giảm tỷ trọng.

Điển hình là ngành khoa học và công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm từ 0,31% năm 2000 xuống còn 0,23% năm 2009... Điều này cho thấy cần có chính sách căn cơ đổi mới mô hình kinh tế và có giải pháp tạo động lực để các DN chuyển dịch kinh tế theo hướng có giá trị gia tăng cao.

Đổi mới và cải cách

Mục đích cuối cùng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là để TPHCM trở thành một trung tâm công nghiệp - dịch vụ - khoa học kỹ thuật có hàm lượng tri thức cao của cả nước và khu vực như nghị quyết đã đề ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong 5 năm tới TPHCM cần tập trung vào việc củng cố “nền móng” của sự phát triển bền vững, trong đó phải giải quyết đồng bộ việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, kết cấu hạ tầng, nhằm tạo bước đi chắc chắn cho mục tiêu dài hạn giai đoạn 2011 - 2020.

Để làm được việc này, phải tập trung vào các giải pháp tháo gỡ các thách thức trước mắt và xử lý những tồn tại, bất cập của nền kinh tế theo chiều rộng đã tích tụ từ nhiều năm qua. TP phải tạo điều kiện và hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa mạnh dạn đầu tư và phát triển. Ví dụ, cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM được chọn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015.

Hiện TP đã quy hoạch khu cơ khí ở Củ Chi nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào để tạo điều kiện và khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư. Trước mắt cần kết nối giao thông của khu vực này với TP và cả khu vực phía Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.

Trong quá trình chuyển đổi, vai trò của nhà nước cần thể hiện mạnh mẽ hơn thông qua việc hỗ trợ gián tiếp vào việc đầu tư về hạ tầng, có chính sách thông thoáng minh bạch, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan, tạo cơ hội cho các ngành phát triển. Làm được điều này, chắc chắn sẽ giúp giảm chi phí, hấp dẫn DN hơn là việc nhà nước hỗ trợ trực tiếp.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình mang tính tổng hợp. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của TP thì cần có lực đẩy ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn, để nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp chủ lực, cần một chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ.

Cái gốc của việc chuyển đổi kinh tế là phải đi từ công nghiệp gia công sang sản xuất. Muốn sản xuất thì phải nhập công nghệ về chuyển hóa thành công nghệ của mình để sản xuất các linh kiện, phụ kiện tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok (Tập đoàn Nidec, Nhật Bản) ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok (Tập đoàn Nidec, Nhật Bản) ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cách đây nhiều năm, TPHCM đã đề xuất Chính phủ cho phép triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để TP phát triển ngang tầm với khu vực thì phải đi đầu trong cải cách, thực hiện công khai, minh bạch trong mọi vấn đề.

Bên cạnh đó, nhà nước cần thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa cho TP trong việc ban hành cơ chế xử phạt về giao thông; phân cấp về đầu tư để TP mạnh dạn cắt bỏ đầu tư kém hiệu quả và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Các thủ tục hành chính, thuế cũng có thể phân cấp theo đặc thù của TP.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: TPHCM đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển. Vấn đề đặt ra là liệu các cơ chế, chính sách có được thực thi đồng bộ và tự thân TPHCM có đưa ra được những đối sách hiệu quả để đưa kinh tế TP phát triển đúng tầm trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, ngoài nỗ lực của TPHCM, còn cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục