Chỉ còn gần một năm nữa, TPHCM sẽ kết thúc Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (2013 - 2015). Ðược UBND TP phê duyệt từ năm 2013, theo thời gian, Chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu của TPHCM đang ngày càng hoàn thiện, từ chức năng và nhiệm vụ, cấu trúc tổ chức…
Cùng thắng lợi
Trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, toàn thành phố đã thực hiện nhiều công trình hạ tầng góp phần giảm thiểu lượng khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, như tăng diện tích cây xanh và mặt nước, sử dụng điện một cách có hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt, phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió và sinh học), xây dựng hệ thống xe buýt sử dụng CNG, triển khai việc sử dụng xăng sinh học E5, giảm lượng nước sạch rò rỉ, xử lý nước thải, chất thải rắn, sử dụng vật liệu không nung…, góp phần làm giảm hàng trăm ngàn tấn CO2 mỗi năm. Các hoạt động thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố đang tạo nên các tiền đề tích cực cho giai đoạn tiếp theo, như Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở quận 1, dự án xây dựng nhà máy đốt chất thải rắn phát điện…
Ðể phối hợp tốt hơn nữa các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn tới theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp và phát triển bền vững, UBND TPHCM đã yêu cầu Ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, trong 10 lĩnh vực (theo công văn số 6811/UBND-ÐTMT, ngày 20-12-2014): Quy hoạch, năng lượng, giao thông, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, nông nghiệp, y tế, xây dựng, du lịch và nâng cao nhận thức. Việc đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tất cả các lĩnh vực nói trên sẽ được thực hiện một cách định tính và định lượng trên cơ sở các yếu tố khí hậu biến đổi, nhiệt độ khí quyển tăng và các trận mưa có cường độ lớn xuất hiện với tần suất ngày càng cao, gây ngập lụt ngày càng nặng nề.
Diện tích cây xanh tại TPHCM được tăng cường. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Trên cơ sở đánh giá này, các dự án (công trình) hạ tầng sẽ được lựa chọn để đầu tư theo thứ tự ưu tiên đảm bảo cả lợi ích về kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo nguyên tắc “cùng thắng lợi” và “không hối tiếc”. Các công cụ quản lý ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất (CIP, Self - Assessment, AIM, MRV) sẽ cho phép chọn lựa một cách tốt nhất các dự án đầu tư. Chỉ riêng với các dự án đang và sẽ thực hiện, như các tuyến tàu điện ngầm metro, xe buýt nhanh BRT, đường vành đai, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy đốt chất thải rắn kết hợp phát điện, nhà máy sản xuất khí sinh học từ chất thải thực phẩm kết hợp phát điện, trồng cây xanh, sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh…, đã có vốn đầu tư nhiều tỷ USD và lượng khí CO2 phát thải có thể giảm cả triệu tấn/năm. Cơ chế tín dụng chung (JCM - Joint Crediting Mechanism) được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật sẽ mở ra hướng mới cho vấn đề tài chính trong đầu tư. Hai dự án đang dự kiến thực hiện tại TPHCM, đốt chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện công suất 500 - 1.000 tấn/ngày có vốn đầu tư 200 - 250 triệu USD và sản xuất khí sinh học kết hợp tái sinh năng lượng từ chất thải rắn của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Ðiền có tổng vốn đầu tư là 178 tỷ đồng, là các dự án điển hình sử dụng nguồn tài chính từ cơ chế này.
Thực hiện nhiều dự án
Bên cạnh các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lớn, nhiều dự án nhỏ cũng sẽ được tổ chức thực hiện rộng khắp trên tất cả các quận huyện của thành phố nhằm góp phần giảm lượng khí CO2 phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến là dự án thu, xử lý và tái sử dụng nước mưa cho các mục đích khác nhau và giảm ngập lụt, dự án tái sử dụng nước thải sinh hoạt sau khi xử lý từ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, dự án năng lượng mặt trời cho Cần Giờ, dự án giảm lượng nước sạch rò rỉ và sử dụng nước có hiệu quả, dự án thay đổi cây trồng và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu - thách thức và cơ hội.
Với kinh nghiệm và kết quả thực hiện của giai đoạn 1 (2013 - 2015), Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030, chắc chắn sẽ hoàn thiện hơn, mang tính khả thi cao hơn, trong sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, quận/huyện, các cơ sở nghiên cứu, các công ty kinh doanh và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh việc giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương trình, dự án còn mang tính thiết thực trong việc sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu một cách có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, góp phần xây dựng TPHCM trở thành thành phố phát thải các bon thấp đầu tiên của cả nước với chỉ tiêu giảm 2% - 3% lượng CO2 phát thải mỗi năm.
ÐÀO ANH KIỆT
(Sở TN-MT TPHCM)