(SGGP). – Ngày 27-11, đoàn kiểm tra của TPHCM do đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, dẫn đầu đã làm việc với UBND quận 7 về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX (về các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2011 - 2013).
Theo UBND quận 7, vấn đề bức thiết nhất của quận là các công trình đường giao thông, hẻm trong khu dân cư đã quá tải và có cao độ thấp nên thường xuyên bị ngập nghiêm trọng. Phó Chủ tịch UBND quận 7 Dương Minh Thùy cho biết, tải trọng khai thác của cầu Trắng (đường Bùi Văn Ba) chỉ có 13 tấn, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực. Mặc dù UBND quận 7 đã nhiều lần kiến nghị nhưng KCX Tân Thuận không đồng ý cho những phương tiện này lưu thông qua các tuyến đường trong KCX. Do đó, tuyến đường Bùi Văn Ba và cầu Trắng là tuyến đường duy nhất để vận chuyển khối lượng hàng hóa rất lớn này.
Việc đầu tư nâng cấp cầu Trắng rất cần thiết, nếu không cầu sẽ bị sập bất cứ lúc nào. Tương tự, cầu Phước Long (đường Phạm Hữu Lầu) có bề rộng quá hẹp, mặt cắt ngang không đủ 2 ô tô 4 chỗ lưu thông ngược chiều cùng lúc. Trong khi đó, nhu cầu giao thông từ quận 7, huyện Nhà Bè qua cầu Phước Long về trung tâm TP và các tỉnh miền Tây rất lớn. Còn đường Huỳnh Tấn Phát - một trong những tuyến đường trọng điểm của quận, lại có cao độ nền đường quá thấp, hệ thống cống cũ bị xô lệch, hư hỏng… dẫn đến thường xuyên bị ngập úng. UBND quận 7 đề nghị UBND TP giao Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát nhằm giảm ngập úng, hạn chế ùn tắc giao thông. Trong đó, giao quận làm chủ đầu tư, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng 6 cửa xả để hạn chế ngập úng.
Theo đồng chí Lê Trọng Hiếu, Bí thư Quận ủy đồng thời là Chủ tịch UBND quận 7, trường học trên địa bàn quận nhiều nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, có trường mẫu giáo chỉ 2 - 3 lớp; các trạm y tế đầu tư trước năm 2000 đến nay đều lạc hậu, không đảm bảo nhu cầu của người dân. Hiện trên địa bàn quận có nhiều dự án xây dựng nhà ở triển khai; trong đó, có 13 dự án quy mô nhỏ, không có khả năng bố trí trường học, không đảm bảo nhu cầu giáo dục. Các chủ đầu tư cũng đồng ý đóng tiền để quận tìm đất thay thế bố trí trường học.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng. Nếu dây dưa kéo dài, khả năng thu được tiền để xây trường học sẽ rất khó khăn vì tình hình bất động sản đang trầm lắng. Trước tình hình trên, quận đề nghị được huy động tài chính để xây dựng trường học đối với các dự án xây dựng nhà ở có quy mô nhỏ theo phương thức xác định mức hỗ trợ, đóng góp về tài chính như áp dụng tại quận 2, Bình Tân (2 quận TP đã cho phép thực hiện thí điểm).
Đối với dự án Trường Mầm non KCX Tân Thuận, để đảm bảo tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2014, quận 7 kiến nghị sớm xem xét chấp thuận quy mô công trình với mật độ xây dựng gần 45% và cao 4 tầng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Ông Lê Trọng Hiếu cho biết, trường rộng khoảng 900m2, khi xây dựng xong cũng chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu của công nhân trong khu vực.
Trước các đề xuất của quận, đồng chí Hứa Ngọc Thuận đồng tình và lưu ý trong tình hình ngân sách khó khăn chung, dự án đang nằm xếp hàng chờ vốn, vì thế, quận 7 nên ưu tiên, công trình nào cần kíp thì bố trí trước. Các sở, ngành cần rà soát sớm giải quyết. Cùng với yêu cầu quận chuẩn bị kế hoạch bước sang giai đoạn mới của chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá quận cần tập trung vào đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực ngành y tế để tăng cường phục vụ nhân dân.
ĐƯỜNG LOAN