(SGGP).- Ngày 25-2, tại buổi làm việc nhằm tăng cường sự phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm giữa TPHCM và 7 tỉnh trong khu vực, Phó cục trưởng Cục Thú y Mai Văn Hiệp nhấn mạnh, dịch cúm gia cầm sẽ lây lan ra toàn bộ các tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ trong phòng chống giữa các địa phương. Hiện nay, khu vực này còn 5 tỉnh, thành chưa xảy ra cúm gia cầm là TPHCM, Bình Phước, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang. Vì vậy, việc các tỉnh, thành cùng bàn biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và cúm gia cầm nói riêng là điều tích cực nhằm hạn chế sự lây lan và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo Chi cục Thú y TPHCM, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 120.000 - 130.000 gia cầm các loại (gà, vịt, cút). Trong đó, trên 90% lượng gia cầm là từ các tỉnh, nhiều nhất là 7 tỉnh, gồm: Đồng Nai (gần 40%), Bình Dương (trên 28%), Bình Phước (11%), Long An (5,5%), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,2%), Tiền Giang (3,4%), Tây Ninh (gần 3%). Ngay từ năm 2011, các đơn vị thú y của 8 tỉnh, thành này đã có sự phối hợp trong việc kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh động vật và có hiệu quả.
Tiêu biểu như TPHCM đã cung cấp thông tin các trường hợp mẫu dương tính với virus cúm gia cầm do người dân các tỉnh gửi mẫu chẩn đoán hoặc từ việc lấy mẫu tầm soát lưu hành virus cúm gia cầm từ cơ sở giết mổ gia cầm tập trung An Nhơn (Gò Vấp), các chợ đầu mối, phương tiện vận chuyển… Nhờ đó, Tiền Giang đã kịp thời xác minh và xử lý ổ dịch phát sinh trên đàn gà. Những sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh phải là cơ sở giết mổ công nghiệp, thịt gia cầm từ các tỉnh phải đăng ký thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Sản phẩm gia cầm phải được vận chuyển bằng xe chuyên dùng.
* Ngày 25-2, theo ghi nhận của chúng tôi, phía chân cầu Trường Đai trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TPHCM, tình trạng bày bán gia cầm công khai như trước không còn nữa. Những người bán gia cầm đã chuyển vào phía bên trong khu vực chợ ở gần chân cầu. Tại đây, giá gà sống là 105.000/kg, vịt xiêm 75.000 đồng/kg, vịt cỏ 60.000 đồng/kg. Do đang trong mùa dịch cúm nên nhiều người không dám mua gia cầm sống. Phía trong chợ có 2 điểm bán gia cầm sống nhưng rất ít người mua.
Tại những điểm mua bán gia cầm sống thường xuyên trước đây, như: trên cầu Tham Lương, thuộc quận Tân Phú; đoạn quốc lộ 1A từ ngã tư An Sương đến đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 50 huyện Bình Chánh; Lê Văn Lương quận 7; đường Phạm Hùng nối quận 8 với huyện Bình Chánh… đến nay không còn tình trạng mua bán gia cầm sống.
CÔNG PHIÊN - QUANG KHOA
Dịch cúm gia cầm đã lan ra 21 tỉnh (SGGP).- Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 25-2, cả nước đã có 67 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 21 tỉnh, làm mắc bệnh và chết hơn 63.000 con gia cầm. Do điều kiện thời tiết ẩm ướt, các hộ chăn nuôi tái đàn lớn đã tạo điều kiện cho virus phát tán và lây lan. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 18 đến ngày 25-2, cả nước đã có thêm 10 tỉnh bùng phát dịch. Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong 21 tỉnh đang có dịch cúm gia cầm hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình. “Trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ tại các địa phương là rất cao. Song, nếu các địa phương tăng cường công tác giám sát, xử lý kịp thời thì vẫn kiểm soát được dịch” - lãnh đạo Cục Thú y nhận định. Theo đại diện Bộ Y tế, diễn biến dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới đã cập nhật thêm nhiều ca tử vong tại quốc gia này. Tính đến ngày 25-2, Trung Quốc đã có 365 trường hợp mắc, trong đó 116 người tử vong. PHÚC VĂN |