TPHCM và các tỉnh liên kết giao thương hàng hóa

TPHCM và các tỉnh liên kết giao thương hàng hóa

* Ký kết 229 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm

Ngày 7-11, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2013 do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Vụ Thị trường trong nước và sở công thương của 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ tổ chức. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa liên tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

        Thành công ngoài dự kiến

Mặc dù mưa kéo dài nhưng trong hội trường và khuôn viên nhà hàng Đông Hồ 2 vẫn tấp nập “kẻ bán, người mua”. Tham gia hội nghị lần này, ngoài lãnh đạo của các tỉnh, thành, bộ, ngành, sở công thương, còn có 350 doanh nghiệp (DN) gồm 128 DN các tỉnh miền Tây, 55 DN các tỉnh miền Đông, 8 DN các tỉnh phía Bắc và 159 DN chủ lực của TPHCM thuộc nhiều thành phần như sản xuất, phân phối, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, ngân hàng, khách sạn, nhà hàng,…

Khách hàng chọn lựa trái cây đặc sản Nam bộ tại Co.opMart Cống Quỳnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thanh

Khách hàng chọn lựa trái cây đặc sản Nam bộ tại Co.opMart Cống Quỳnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thanh

Với 57 gian hàng giới thiệu sản phẩm (39 gian hàng của DN các tỉnh và 18 gian hàng của DN TP), thuộc các nhóm hàng nông sản, thực phẩm, bánh kẹo, rau củ quả,… DN và HTX của các tỉnh mang đến chương trình rất nhiều mặt hàng đặc sản, mới lạ, độc đáo của từng vùng miền như bưởi Năm Roi, quýt hồng Lai Vung, vú sữa Vĩnh Kim, xoài Mỹ Xương, kẹo dừa Bến Tre, tôm khô Tân Phát Lợi, sầu riêng Ngũ Hiệp, các loại đặc sản khô có cá lóc, cá điêu hồng,… Các DN của TPHCM cũng giới thiệu đến đối tác các mặt hàng vốn là thế mạnh như thực phẩm chế biến Vissan, sữa Nutifood, trứng gia cầm Ba Huân, thịt gia cầm và trứng gia cầm Phạm Tôn,… Đại diện các nhà phân phối lớn của TPHCM như Saigon Co.op, Big C, Citimart và 3 chợ đầu mối của Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn,… cũng cung cấp thông tin cho các DN về hệ thống phân phối của mình, cũng như các tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị.

Kết quả sau 3 giờ “đàm phán”, 76 hệ thống phân phối đã thực hiện ký kết 229 hợp đồng nguyên tắc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với 136 DN, HTX của các tỉnh, thành. Điển hình như Saigon Co.op ký với 20 DN, HTX trong việc bao tiêu hàng nông sản như rau an toàn Long Khê, sầu riêng Ngũ Hiệp, thực phẩm chế biến Năm Thụy, bánh pía và lạp xưởng Tân Huê Viên,… hệ thống Citimart ký kết 22 hợp đồng; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn ký 4 hợp đồng; hệ thống siêu thị BigC ký 4 hợp đồng; Maximark ký 22 hợp đồng,…

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, từ hội nghị kết nối lần đầu tiên vào tháng 12-2012, đến nay Saigon Co.op đã ký kết hơn 60 hợp đồng nguyên tắc với các DN, HTX. Sau khi ký, bộ phận thu mua của Saigon Co.op đã đến tận các nhà vườn, đơn vị để thực hiện các hợp đồng với sản lượng hơn 26.000 tấn hàng hóa, trị giá 2.600 tỷ đồng. Việc hợp tác này quan trọng và có ý nghĩa rất lớn, đó là tạo đầu ra ổn định cho nhà nông, còn người tiêu dùng sẽ tiếp cận được những sản phẩm chất lượng.

        Khơi thông sản xuất và phân phối

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, kết quả từ hội nghị năm nay cho thấy chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Số lượng hợp đồng ký kết đã tăng hơn 5 lần so với năm 2012 (năm ngoái có 43 hợp đồng), mở ra cơ hội lớn cho DN gặp gỡ, kết nối với nhau để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Mua bánh cốm đặc sản truyền thống sản xuất tại Hà Nội ở Co.opMart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thanh

Mua bánh cốm đặc sản truyền thống sản xuất tại Hà Nội ở Co.opMart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thanh

Vấn đề đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng là việc làm đòi hỏi sự góp sức của nhiều bên, trong đó rất cần sự trợ sức của cơ quan quản lý. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, mục đích của việc kết nối hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp DN ổn định phát triển sản xuất. Thông qua chương trình, các hệ thống phân phối của TP cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho các DN, HTX khi đưa hàng hóa vào siêu thị, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì… Nếu các DN có nhu cầu hợp tác, Sở Công thương TP sẽ tiếp tục làm cầu nối nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DN.

Là một DN khá thành công trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng cho hệ thống các siêu thị tại TPHCM, ông Nguyễn Quang Trọng, Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, khẳng định, nếu thâm nhập tốt các hệ thống phân phối, chắc chắn sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phát triển không chỉ ở thị trường nội địa mà cả xuất khẩu. Đại diện HTX Nông nghiệp Phước An, TPHCM cũng cho rằng, chỉ có con đường hợp tác mới mang lại sự phát triển bền vững cho HTX, giúp các hộ nông dân thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, ngay sau hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa lần này, TPHCM sẽ tổ chức thêm một chương trình kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng cho mặt hàng nông sản. TP đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát, nắm bắt lại năng lực sản xuất của DN, HTX và nhu cầu tiêu dùng, thông qua đó giúp người sản xuất chọn lựa mặt hàng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Làm được điều này, năng lực sản xuất của các HTX và DN sẽ được nâng lên.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai:

Gắn kết thị trường như “răng với môi”

Hiện tổng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh trên 1,2 triệu con heo, 10 triệu con gà, trong số đó chỉ tiêu thụ tại tỉnh được 30%, còn lại chủ yếu tiêu thụ tại TPHCM. Giá cả hàng hóa của Đồng Nai luôn theo sát giá cả của thị trường TPHCM. Chỉ cần thị trường TPHCM hút hàng, lập tức hàng hóa từ Đồng Nai sẽ “cháy” theo ngay. Quan hệ gắn kết giữa thị trường hàng hóa Đồng Nai và TPHCM như “răng với môi”. Do vậy, cần có sự thiết lập chặt chẽ về quan hệ cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và Đồng Nai để phát triển sản xuất, ổn định thị trường.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục